Chủ trương lớn, hợp xu hướng phát triển
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương” theo Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 31-10-2019. Mục tiêu của đề án là vận động các doanh nghiệp đang có các dự án sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam của tỉnh chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
 |
Hoạt động sản xuất tại Công ty Gỗ Hiệp Long (TP Thuận An). Ảnh: TIỂU MY |
Đề án xác định 4 tiêu chí để đánh giá mức độ của các doanh nghiệp gồm: Công tác bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Bình Dương đã được phê duyệt và còn hiệu lực, ngành nghề sản xuất, ý thức chấp hành quy định của pháp luật. Việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sản xuất vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, cháy, nổ trong khu dân cư, vừa góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị của tỉnh theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, hiện có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện di dời vào các khu công nghiệp và cụm công nghiệp chiếm 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở các địa phương như: TP Dĩ An, TP Thuận An, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên… Những ngành nghề phổ biến của các doanh nghiệp này là sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, da giày…
Đối với lộ trình thực hiện việc di dời, từng địa phương đã có kế hoạch cụ thể. Trong đó, TP Thuận An từ tháng 1-2020 đến tháng 12-2028, TP Dĩ An từ tháng 1-2024 đến tháng 6-2030, TP Thủ Dầu Một từ tháng 1-2024 đến tháng 6-2030, thị xã Tân Uyên từ tháng 1-2024 đến tháng 12-2029, thị xã Bến Cát từ tháng 1-2024 đến tháng 12-2030...
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: Thời gian tới, sở sẽ rà soát lại các khu, cụm công nghiệp sẵn có, làm việc với chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp để bố trí quỹ đất thích hợp cho các đối tượng di dời của đề án. Đồng thời, tham mưu ban hành tiêu chí xét doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải di dời, tiêu chí xét doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chuyển đổi công năng, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, trong đó đặc biệt chú trọng kế hoạch ưu tiên xây dựng 1 cụm công nghiệp mẫu điển hình để thử nghiệm, kiểm chứng kết quả và hiệu quả di dời doanh nghiệp, trước khi triển khai đại trà.
 |
Một góc khu công nghiệp Việt Nam-Singapore II tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: ĐỨC TUẤN
|
Cần thực hiện vững chắc từng bước
Qua khảo sát, nắm bắt tình hình của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp chịu tác động bởi đề án đã mong muốn được ổn định để duy trì sản xuất, kinh doanh vì mỗi lần thay đổi gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ nhiều vấn đề như: Chi phí, đất đai, nguồn lao động, khách hàng, đối tác... Đây là chủ trương lớn của Bình Dương phải thực hiện, các doanh nghiệp đề nghị cho làm từng bước một, có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi di dời hoặc chuyển đổi công năng.
Bà Trương Thị Thùy Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội da giày tỉnh Bình Dương bày tỏ lo lắng, thực hiện việc di dời tới địa điểm mới với số lượng lớn các doanh nghiệp phải di dời sẽ khó có thể tuyển được lao động vì hiện tại, công nhân đã ổn định chỗ ở. Việc xáo trộn địa điểm sản xuất kinh doanh khiến những doanh nghiệp không có tiềm lực sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị, tỉnh cần dàn trải trên khoảng thời gian dài và khi ổn định quỹ đất công sẽ thực hiện việc di dời để các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề sẽ hỗ trợ nhau cùng hình thành chuỗi cung ứng trong tương lai.
Còn ông Vương Siêu Tín, Phó chủ tịch Hiệp hội gốm sứ tỉnh Bình Dương cho rằng, các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất kinh doanh trong thời gian dài trên đất sản xuất hiện tại khi di chuyển vào chỗ mới, phải mất tiền thuê đất. Do đó, tỉnh phải có chính sách hỗ trợ về tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp gốm sứ tại Bình Dương cũng cho rằng, đây là kế hoạch lớn của tỉnh, nếu thực hiện không hiệu quả sẽ khiến các doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, tỉnh nên làm việc với từng hiệp hội để lấy ý kiến của các doanh nghiệp một cách cụ thể và thông tin chi tiết cho doanh nghiệp về các khu vực chuyển đến cho phù hợp với chủ trương của tỉnh.
TP Thuận An là địa phương có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đề án với hơn 500 doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp. Đa số các doanh nghiệp này quy mô nhỏ và vừa, có vốn đầu tư ít, diện tích mặt bằng hạn chế, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý chất thải chưa được đầu tư thỏa đáng gây tác động xấu đến cộng đồng dân cư và khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát, không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp...
 |
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Ảnh: LONG GIANG |
Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Bí thư Thành ủy Thuận An đã nhấn mạnh rằng, địa phương sẽ cố gắng cùng các ngành chức năng tiếp xúc với các doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có các chính sách phù hợp đối với các doanh nghiệp di dời để vừa ổn định trong thời gian chuẩn bị di dời và thời gian chuyển sang vị trí mới. Ủy ban nhân dân tỉnh cần nghiên cứu lại thời gian thực hiện việc di dời để doanh nghiệp có thời gian thích ứng với việc di dời.
Tại hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh Bình Dương với các doanh nghiệp chịu tác động của đề án vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho rằng, đây là đề án lớn và hết sức quan trọng của tỉnh, khi thực hiện cần có sự đồng thuận của doanh nghiệp, đúng với chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp tạo ra giá trị sản phẩm lớn, thân thiện với môi trường, giảm dần các ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Ông Nguyễn Văn Dành mong muốn các doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ chủ trương của tỉnh, cùng trao đổi, thống nhất phương án thực hiện để góp phần cho sự phát triển bền vững của địa phương.
LONG GIANG