Tuy nhiên, vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi diễn ra tương đối phổ biến dẫn tới thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, gây mất an toàn giao thông thủy và an toàn đê điều cũng như an toàn tính mạng, tài sản cho người dân sinh sống dọc các con sông. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?

Hiệu quả từ việc xã hội hóa

Theo các chuyên gia, cát, sỏi lòng sông là loại khoáng sản được bổ sung thường xuyên theo mùa do bồi lắng. Sự bồi lắng này là một trong những nguyên nhân gây cản trở, làm mất an toàn giao thông thủy. Chính vì vậy, hằng năm, ngành giao thông vận tải vẫn phải thực hiện nhiệm vụ khơi thông luồng lạch, cửa biển. Tuy nhiên, do nhu cầu khơi thông quá lớn, trong khi ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng được một phần, Bộ Giao thông vận tải đã có sáng kiến và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm xã hội hóa hoạt động nạo vét, khơi thông luồng hàng hải kết hợp thu hồi sản phẩm cát, sỏi và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai từ tháng 2-2014.

Kết quả thống kê cho thấy, tới cuối năm 2016 đã có hơn 90 dự án nạo vét khơi thông luồng lạch tại các tỉnh, thành phố được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận theo hình thức thí điểm xã hội hóa. Tổng khối lượng sản phẩm thu hồi từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch từ 90 dự án này là khoảng hơn 200 triệu mét khối cát. Tổng hợp số liệu thống kê từ 40 tỉnh, thành phố cho thấy, với khoảng hơn 600 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông và dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch theo hình thức xã hội hóa đã phê duyệt, số tiền thu về cho ngân sách Nhà nước đạt 732,93 tỷ đồng.

Như vậy, từ việc ngân sách Nhà nước không đủ tiền cấp cho hoạt động khai thông luồng lạch phục vụ hoạt động giao thông đường thủy, với những dự án được xã hội hóa, Nhà nước không những không phải chi tiền mà còn thu được về cho ngân sách. Đây là hiệu quả đáng khích lệ từ mô hình xã hội hóa khơi thông luồng lạch giao thông đường thủy và các bến cảng.

Nảy sinh tiêu cực

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những dự án xã hội hóa hoạt động khai thác cát, sỏi, khơi thông luồng lạch thực hiện đúng quy định, cũng còn có những dự án vi phạm. Cùng với đó, nạn khai thác cát, sỏi trái phép ở lòng sông, cửa biển (người dân gọi nôm na là cát tặc) vẫn xảy ra tương đối phổ biến, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây xói lở bờ nhiều vùng đất ven sông, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức. Cùng với đó, vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển còn làm thất thoát nguồn tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước, gây mất an toàn giao thông đường thủy, tác động xấu đến môi trường, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều và các công trình thủy lợi.

Thống kê từ 22/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, các địa phương này đã phát hiện và xử lý 2.705 trường hợp vi phạm, xử phạt 38,715 tỷ đồng. Một số địa phương phát hiện, xử phạt vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển nhiều nhất là Bến Tre với 12,153 tỷ đồng, Hải Dương với 8 tỷ đồng, Hà Nội với 3,4 tỷ đồng, Tiền Giang với 2,926 tỷ đồng, Bắc Ninh với 2,6 tỷ đồng… Đặc biệt, Hà Nội đã chuyển xử lý hình sự 3 vụ vi phạm, Vĩnh Phúc chuyển xử lý hình sự 3 vụ, Bắc Ninh chuyển xử lý hình sự 1 vụ. Cùng với đó, các địa phương cũng tiến hành thu giữ, tiêu hủy nhiều phương tiện khai thác cát, sỏi trái phép.

Để chặn đứng cát tặc

Sơ hở lớn nhất có lẽ là sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các địa phương trong quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi ở những khu vực giáp ranh. Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở này để tiến hành khai thác cát, sỏi trái phép, tránh bị kiểm tra, thanh tra. Do vậy, việc cần làm là phải sớm xây dựng được quy chế phối hợp quản lý cát, sỏi nói riêng và khoáng sản nói chung ở những khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Để giảm áp lực khai thác cát, sỏi tự nhiên, các cơ quan chức năng cần sớm tổ chức nghiên cứu, tìm ra các loại đá, sỏi có hàm lượng SiO2 cao có thể nghiền nhỏ, bảo đảm chất lượng để thay thế cát, sỏi tự nhiên, phục vụ nhu cầu xây dựng trên thị trường; sử dụng tro, xỉ than hoặc phế thải xây dựng và hạn chế sử dụng cát, sỏi tự nhiên để san lấp trong các công trình xây dựng.

Bộ Giao thông vận tải nên sớm nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định quản lý hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch; công khai các dự án thí điểm xã hội hóa nạo vét, khơi thông luồng lạch đường thủy có sản phẩm thu hồi để các bộ, ngành, địa phương liên quan và người dân cùng tham gia giám sát.

Các tỉnh, thành phố, đặc biệt là những nơi vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển trái phép, cần tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn; cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển theo đúng quy định và phải có giải pháp đồng bộ để giám sát sản lượng khai thác thực tế; công khai các dự án được cấp phép cùng sản lượng được phép, sản lượng đã khai thác và số lượng máy móc, thiết bị, tàu, thuyền được phép tham gia khai thác ở từng dự án để các cơ quan liên quan và nhân dân cùng tham gia giám sát…

Việt Nam là một trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu gây thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất đá. Thời gian qua, vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển càng làm cho hậu quả thiên tai nặng nề hơn. Đã đến lúc công tác quản lý trong lĩnh vực này cần được siết chặt hơn nữa, với sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan. Chỉ khi nào chặn đứng được nạn cát tặc, khi ấy mới có thể chủ động bảo đảm an toàn đê điều, an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân ven sông, cũng như mang lại sự yên bình cho các con sông.

CHIẾN THẮNG