Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống hàng giả, hàng nhái.

Hơn 52.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, trong năm 2023, lực lượng QLTT đã thanh tra, kiểm tra hơn 71.000 vụ và phát hiện, xử lý hơn 52.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, đối với vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lực lượng QLTT đã kiểm tra hơn 9.600 vụ việc, xử lý hơn 9.000 vụ việc, phạt hành chính hơn 92 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 118 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đánh giá, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tại các địa bàn nổi cộm, số vụ vi phạm giảm đáng kể so với trước đây, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh cũng được cải thiện. Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến ngày càng phức tạp.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương kiểm tra, thu giữ hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: VŨ HẢI 

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi; cơ chế thực thi pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi pháp luật còn hạn chế trong năng lực để nhận biết hàng thật hay hàng giả, các hàng hóa được bảo hộ là những loại nào; những hình thức gian lận mới của các đối tượng sản xuất, kinh doanh; các phương thức kinh doanh mới... Mặt khác, sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật chưa chặt chẽ.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trước thực trạng trên, ngày 29-3-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Theo đó, lực lượng QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý trên môi trường mạng. Bởi hiện nay, các đối tượng không chỉ bán hàng ở những điểm cố định mà còn bán trên các nền tảng thương mại điện tử như Facebook, Zalo... gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm tra các kho hàng, xử phạt các đối tượng.

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ: Một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống hàng giả, hàng nhái là nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân. Cụ thể, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức của lực lượng thực thi pháp luật và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt phải đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm và cả với những người thực thi pháp luật không làm tròn trách nhiệm, dung túng, bao che cho các đối tượng vi phạm pháp luật.

Các chuyên gia cũng đề xuất cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Các sàn thương mại điện tử phải ký cam kết không kinh doanh hàng giả; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử. Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan bằng cách rà soát, đánh giá những quy định, cơ chế và hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để từ đó đưa ra giải pháp hiệu quả hơn.

Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường hợp tác quốc tế về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể là đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; trao đổi, chuyển giao công nghệ từ các tổ chức quốc tế, các nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Khuyến khích liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu trong nước về chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng với sự tham gia của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để trao đổi kinh nghiệm quản lý, tiếp thu công nghệ.

LA DUY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.