Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có buổi trao đổi với ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, qua chuyến khảo sát ông nhận định như thế nào về tình trạng sạt lở ở ĐBSCL thời gian gần đây?

Ông Trần Quang Hoài: Qua thống kê và khảo sát thực tế có thể khẳng định rằng, sạt lở tại ĐBSCL đang diễn ra với tốc độ và mức độ khốc liệt nhất ở cả khu vực biển và hệ thống sông, rạch. Tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn trong thời gian tới. Cơ quan khoa học của Bộ NN&PTNT đã tính toán diễn biến từ nay đến năm 2020 nếu không có tác động thì sạt lở vào bờ sẽ sâu thêm 20m nữa. Như vậy, tuyến Quốc lộ 30 ở Đồng Tháp, khu dân cư ở Gành Hào và Cà Mau sẽ bị “nuốt chửng”. Tại các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu có 18 khu vực sạt lở với tốc độ 10m/năm, 37 khu vực sạt lở với 5-10m/năm, 26 khu vực sạt lở với tốc độ nhỏ hơn 5m/năm. Hầu hết các địa phương đều có hệ thống sông, rạch sạt lở. Cà Mau là vùng đặc trưng sạt lở ảnh hưởng thủy triều với 48 vị trí sạt lở bờ ở sông Gành Hào, Cửa Lớn, cửa Bồ Đề, Sông Đốc... và diễn ra theo suốt chiều dài ven biển. Hiện tượng sạt lở ở thảm rừng phòng hộ và bờ biển ở Cà Mau, Bạc Liêu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Hiện tượng xâm thực bờ biển cũng diễn ra rất gay gắt, đe dọa trực tiếp đến thảm rừng phòng hộ và tuyến đê ven biển Đông.

leftcenterrightdel
Ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi. 

PV: Có ý kiến cho rằng, ở ĐBSCL tình trạng “bồi-lở” đã không còn diễn ra theo quy luật tự nhiên như trước đây, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trần Quang Hoài: Qua theo dõi diễn biến cụ thể trong nhiều năm và các tài liệu quan trắc từ ảnh vệ tinh, tôi cho rằng thời gian gần đây, sạt lở diễn ra nhanh và rộng hơn so với trước. Hiện tại, sạt lở không thể nói là mùa lũ hay mùa khô nữa mà nó xảy ra quanh năm. Trước đây 3-5 năm mới xảy ra một vụ sạt lở. Nhưng hiện nay mỗi năm đều có 1-2 vụ sạt lở. Cụ thể, chưa đầy 1 tuần lễ nhưng Đồng Tháp và An Giang đã liên tiếp hứng chịu nạn sạt lở nghiêm trọng. Và cả 2 địa phương đã phải tính đến việc di dời khoảng trên 20.000 hộ dân sống tại khu vực ven sông. 

PV: Tình trạng sạt lở đã diễn ra từ rất lâu, vậy tại sao thời gian gần đây lại nghiêm trọng như vậy?

Ông Trần Quang Hoài: Với một đồng bằng trẻ, từ 6-7 nghìn năm tuổi như ĐBSCL, việc khai thác cát đã tạo ra các hố sâu khổng lồ dưới đáy sông, làm thay đổi lòng sông và đặc tính dòng chảy tự nhiên, gây ra những va chạm đủ lớn để tạo ra các xoáy nước và sinh ra năng lượng tác động lên hai bên thành bờ gấp nhiều lần so với mức bình thường.

Đối với địa hình, địa chất ở ĐBSCL, tầng đất mặt ở khu vực Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và vùng trũng treo U Minh chủ yếu là đất phù sa dạng mùn, được hình thành từ lớp thực bì rất dày bị phân hủy. Ở các khu vực ven sông là dải phù sa ngọt tơi xốp trong khi càng ra phía biển là vùng đất giồng, cấu tạo chủ yếu là đất cát pha với độ kết dính giảm dần. Chính vì đặc tính như trên nên độ cố kết và đàn hồi chịu đựng trước tác động của dòng chảy là rất hạn chế.

Thêm vào đó, đặc điểm địa hình trũng thấp với độ cao trung bình từ 1-1,2m cũng tạo ra lợi thế cho xâm thực, nhất là khi triều cường ở vùng ven biển, mưa lớn và vào mùa nước lên. Điều đáng lưu ý nữa là hướng nghiêng địa hình theo hướng chảy của sông Tiền và sông Hậu nhưng dọc hai con sông lớn này là mạng lưới kênh rạch kết nối chằng chịt với hướng chảy gần như vuông góc. Khi đó, sức nước ở những nơi hợp lưu sông sẽ tạo ra những xoáy ngầm rất mạnh, tạo ra các “hàm ếch” ở ngã ba, ngã tư sông và ăn sâu vào hai bên bờ cho đến khi bờ sông bị sụp đổ.

Theo tính toán của chúng tôi, hệ số mái dốc hiện nay M< 1, mái dốc cân bằng tự nhiên của lòng sông cũng bị giảm đi, cộng với sự mở rộng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đã làm thiếu hụt nguồn trầm tích để bồi đắp mở rộng bờ biển, khiến lượng nước đổ ra từ sông Tiền, sông Hậu bị thiếu hụt, không đủ để đẩy dòng hải lưu ven bờ ra xa nhằm giảm sự xâm nhập mặn và hạn chế sức nước tác động lên bờ biển dẫn đến sạt lở nghiêm trọng.

leftcenterrightdel
 Sạt lở liên tiếp xảy ra và ngày càng nghiêm trọng ở An Giang.

PV: Trước mắt và lâu dài, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

Ông Trần Quang Hoài: Trước mắt phải sơ tán dân, theo dõi diễn biến trên bờ và cả lòng sông. Cử lực lượng theo dõi 24/24 giờ tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao để kịp thời ứng phó với sạt lở. Đồng thời, quy hoạch đô thị hóa và công nghiệp hóa bền vững, gia tăng diện tích rừng che phủ để gia tăng lượng nước ngầm và hạn chế tối đa các hoạt động thăm dò, khai thác cát, nhất là trên các sông Tiền và sông Hậu. Ngoài ra, trên toàn khu vực cần phải có nghiên cứu bản đồ khai thác cát hợp lý. Ở các khu vực cửa sông và ven biển nơi chưa hoặc ít bị sạt lở cần đẩy mạnh các hoạt động trồng các loại cây có khả năng chắn sóng và lấn biển tốt, như đước, mắm, dừa nước, tái phục hồi rừng ngập mặn… Ở vùng sạt lở, các phương án xây đê chắn sóng cần kết hợp lồng ghép với phương pháp xây bunker để giữ chân phù sa thay vì chỉ tập trung dựng lên bức tường bê-tông chắn sóng thuần túy như hiện nay.

THÚY AN (thực hiện)