QĐND Online - Hai tiếng "Việt Bắc" thân thương vẫn khiến nhiều người Việt Nam bồi hồi nhớ về miền ký ức hào hùng của cha anh. Vùng Việt Bắc là nơi cư ngụ chính của các dân tộc Tày-Nùng, thuộc dòng ngôn ngữ Thái, dân tộc Dao và các nhóm thiểu số khác. Năm 1947, danh từ Việt Bắc xuất hiện để chỉ chung vùng căn cứ cách mạng, tháng 10-1954, danh từ này lại được dùng để chỉ chung toàn căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1956, khu tự trị Việt Bắc được thành lập gồm 6 tỉnh : Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Sau này, khu tự trị Việt Bắc giải thể, danh từ này vẫn tồn tại. 

6 tỉnh thuộc vùng Việt Bắc xưa nay đã nhiều đổi khác với những thành tựu lớn trong kinh tế-xã hội, trong đó phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của du lịch. Khi nhắc đến du lịch vùng này, người ta vẫn gọi chung là du lịch vùng Việt Bắc. Với mong muốn thúc đẩy du lịch, những năm qua, 6 tỉnh vùng Việt Bắc xưa đã bắt tay nhau luân phiên tổ chức chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” để giới thiệu, tuyên truyền về tiềm năng du lịch của vùng đất đặc biệt này. Năm nay, chương trình được tổ chức tại Thái Nguyên với nhiều hoạt động như: Liên kết khảo sát thực nghiệm tuyến du lịch lịch sử cách mạng gắn với du lịch sinh thái vùng Chiến khu Việt Bắc; tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc”; Triển lãm ảnh; Hội chợ triển lãm Du lịch, Văn hóa ẩm thực và Thương mại; tổ chức thi đấu các môn thể thao...

Với những người từng có cơ hội ghé qua vùng Việt Bắc đều có chung cảm nhận, đây là nơi có núi sông hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nơi sinh sống lâu đời của hơn 20 dân tộc anh em với nền văn hóa bản địa phong phú, đa dạng đậm đà bản sắc dân tộc. Không những thế, Việt Bắc còn được biết đến là cái nôi của cách mạng, Thủ đô kháng chiến năm xưa, là miền đất địa linh nhân kiệt, có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử oai hùng của dân tộc. Những câu hát về rừng Pác Pó “Trông vời lưng núi/ Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây...” vẫn tràn đầy sức sống cho đến nay.

Có thể khẳng định, một trong những thế mạnh của du lịch vùng Việt Bắc chính là những di sản văn hóa mà các địa phương vùng này nắm giữ. Trong những năm qua, các tỉnh vùng Việt Bắc đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, cùng nhau liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh trong vùng.

Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” là một cách làm hiệu quả mà các tỉnh vùng Việt Bắc đang áp dụng để thúc đẩy du lịch phát triển. Ảnh: Báo Thái Nguyên.

Ông Dương Ngọc Long, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Những năm qua, Thái Nguyên cũng như các tỉnh vùng Việt Bắc và cả nước luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kinh tế quan trọng. Các tỉnh trong vùng đã thống nhất liên kết triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và phát triển sự nghiệp du lịch, như khảo sát, phối hợp xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh, kết nối với các địa phương, các tỉnh trong nước và khu vực châu Á. Nhiều di sản văn hóa đã được cơ quan chức năng lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận là di sản văn hóa của nhân loại...

Theo nhận xét của các hãng lữ hành, các tỉnh Việt Bắc có tiềm năng lớn để khai thác phát triển du lịch, trong đó nổi bật là nguồn tài nguyên văn hóa lịch sử phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái đa dạng... Với những phong tục, tập quán đặc sắc trong đời sống, tín ngưỡng, những sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc là những yếu tố có sức hấp dẫn cao đối với khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, một trong những điểm hạn chế lớn nhất đối với phát triển du lịch ở các tỉnh Việt Bắc là cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật còn rất yếu kém, hệ thống cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu.

Phát biểu trong lễ khai mạc Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” tổ chức tại Thái Nguyên vừa qua, Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Để thực sự phát huy được tiềm năng, lợi thế, đặc trưng vùng và sức mạnh liên kết phát triển du lịch Việt Bắc, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị các địa phương trong vùng từng bước lập quy hoạch tổng thể đến thực thi các chương trình phát triển du lịch, xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch mang cấp độ vùng, một cách thực chất và bền vững thông qua sự liên kết toàn diện, có chương trình liên kết cụ thể phù hợp, đặc biệt chú trọng đến khai thác tài nguyên du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch tương xứng với yêu cầu liên kết với các địa bàn trọng điểm du lịch khác đặc biệt là Thủ đô Hà Nội”.

Rõ ràng, theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định, phát triển du lịch theo vùng có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh là định hướng lớn nhằm phát triển du lịch trong vùng lãnh thổ phù hợp với đặc điểm, tài nguyên du lịch gắn với đặc trưng của vùng, tạo thành các cụm liên kết phát triển mạnh du lịch.  Vì thế, du lịch Việt Bắc muốn phát triển cần tạo được liên kết vùng vững chắc.

Việc luân phiên tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” hằng năm cũng là một cách làm hiệu quả mà các tỉnh vùng Việt Bắc đang áp dụng để thúc đẩy phát triển liên kết vùng du lịch. Từ chương trình này, lãnh đạo các tỉnh trong vùng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch; các hãng lữ hành biết thêm nhiều tuyến, điểm du lịch mới qua sự giới thiệu của ngành du lịch địa phương... Sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, du lịch vùng Việt Bắc sẽ thực sự cất cánh nếu có sự đầu tư thỏa đáng trong tương lai.

THU THỦY