QĐND - Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 38, sáng 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là dự án đồ sộ, liên quan tới đời sống dân sự của cả cá nhân và pháp nhân trong xã hội nên đã được đưa ra lấy ý kiến toàn dân. Tại phần thảo luận, các ủy viên UBTVQH cũng cho rất nhiều ý kiến về những vấn đề liên quan tới dự án. Hai trong số những vấn đề được cho ý kiến nhiều nhất là lãi suất cơ bản và thời hiệu khởi kiện thừa kế. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển nội dung phần thảo luận này.

Ít nước có lãi suất cơ bản như Việt Nam

Liên quan tới vấn đề lãi suất cơ bản dùng làm căn cứ xác định việc cho vay có bị coi là nặng lãi hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, trên thế giới không có khái niệm lãi suất cơ bản. Hệ thống ngân hàng trung ương trên thế giới chỉ tồn tại phổ biến 3 loại lãi suất, gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất qua đêm. Nếu Việt Nam vẫn để khái niệm lãi suất cơ bản thì sẽ giải quyết thế nào khi có những vụ việc liên quan tới luật pháp của các nước khác?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiếp cận vấn đề từ sự bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng với các cá nhân, pháp nhân khác. Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng được cung cấp các gói cho vay theo lãi suất thỏa thuận, tức là lãi suất có thể vượt 150%, thậm chí vượt 200% lãi suất cơ bản cũng không có vấn đề gì, nhưng nếu cá nhân, pháp nhân khác mà cho vay với mức lãi suất vượt 150% lãi suất cơ bản thì có thể bị tuyên hợp đồng vô hiệu, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do có sự “xung đột pháp luật” nên thời gian vừa qua đã có hiện tượng “xé rào” lãi suất. Từ đó, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nêu câu hỏi, chúng ta sẽ xử lý những trường hợp “xé rào” này như thế nào?

Phát biểu với tư cách khách mời, Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Tống Anh Hào đề nghị phải tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về lãi suất cơ bản để tòa án các cấp áp dụng trong giải quyết các vụ việc cụ thể. Mặc dù pháp luật quy định, việc cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản, nhưng từ năm 2009 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không công bố lãi suất cơ bản. Khi giải quyết những vụ việc cụ thể, ngành tòa án đã phải hỏi lại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất cơ bản và nhận được trả lời là vẫn áp dụng mức lãi suất cơ bản từ trước năm 2009. Cho rằng như vậy là “rất vướng”, ông Tống Anh Hào đề nghị quy định cụ thể cả trách nhiệm công bố lãi suất cơ bản một cách thường xuyên.

Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Ông Tống Anh Hào đồng tình với việc duy trì lãi suất cơ bản, bởi nếu thả nổi hoàn toàn sẽ không có cơ sở điều chỉnh khi xuất hiện hành vi cho vay nặng lãi.

Giải thích về việc tại sao Việt Nam cần duy trì quy định về lãi suất cơ bản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói, đó là do giá trị đồng tiền của Việt Nam không ổn định. Do vậy, Bộ luật Dân sự phải quy định về lãi suất cơ bản, tránh sự bắt bí nhau trong các quan hệ dân sự. Về vấn đề tại sao các tổ chức tín dụng được quyền thỏa thuận lãi suất, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, do việc cho vay của các tổ chức tín dụng có sự khác nhau về mức độ rủi ro của từng dự án. Có những dự án có tính khả thi thấp và tính rủi ro cao, nếu khống chế ngân hàng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản khi cho vay thì ngân hàng có thể gặp rủi ro và cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình với quan điểm cần giữ lại quy định về lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, với đề xuất nâng mức trần lãi suất lên 200%, Chủ tịch Quốc hội nói như vậy là quá cao. “Mức trần lãi suất có thể trên 150%, nhưng không nên lên tới 200% lãi suất cơ bản”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.

Quyền sở hữu là vô hạn?

Cho rằng quyền sở hữu không có thời hạn, nên quy định thời hiệu khởi kiện đòi quyền thừa kế như pháp luật dân sự hiện hành là không hợp lý, bên cạnh những ý kiến kiến nghị giữ nguyên như hiện hành, có ý kiến nhân dân đề nghị bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện. Tổng hợp ý kiến nhân dân, Chính phủ đưa cả 2 loại ý kiến này để xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng tình rằng quyền sở hữu là không có thời hạn, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lại nhấn mạnh đến tính hữu hạn về giá trị của tài sản thừa kế. Do vậy, thời hiệu khởi kiện đòi quyền thừa kế thì có thể bỏ, nhưng thời hiệu với giá trị của tài sản thừa kế thì cần phải giữ.

Theo tổng kết của cơ quan soạn thảo dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), tính đến ngày 28-4-2015, có khoảng 7,5 triệu lượt người tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Tống Anh Hào không đồng tình với quan điểm bỏ thời hiệu khởi kiện đòi quyền thừa kế. Ông lấy ví dụ, một vụ khởi kiện đòi quyền thừa kế với thời điểm phát sinh quyền thừa kế cách đó hàng trăm năm sẽ rất phức tạp do đã trải qua rất nhiều đời. Do vậy, ông đề nghị giữ lại thời hiệu khởi kiện đòi quyền thừa kế, có thể kéo dài thời hiệu khởi kiện lên 20 năm và trừ trường hợp những người thừa kế có thỏa thuận khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ quan điểm cần giữ lại thời hiệu khởi kiện đòi quyền thừa kế, thậm chí không nên kéo dài thời hiệu khởi kiện. Theo lý giải của Chủ tịch Quốc hội, trải qua 10 năm đã có bao nhiêu sự biến động cả về con người được hưởng quyền thừa kế và tài sản thừa kế. Có quyền thừa kế, nhưng trong 10 năm mà không đòi quyền là có thể chấm dứt quyền.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân và xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần.

Dân là người quyết định cuối cùng

 “Loại vấn đề đưa ra trưng cầu là loại việc thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nhưng Quốc hội thấy rằng cần thiết phải để dân trực tiếp quyết định. Thế thì ý dân, sau khi trưng cầu, phải là quyết định cuối cùng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định quan điểm khi UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân, chiều 12-5.

 

CHIẾN THẮNG