Việt Nam đi đầu trong tự do hóa dịch vụ hàng không

Ông Đinh Việt Thắng.

Phóng viên (PV): Các nước ASEAN đã cùng thống nhất chủ trương mở cửa bầu trời. Đến nay, chủ trương này đã được cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Việt Thắng: Từ năm 2015, các nước ASEAN đã quyết định thành lập thị trường hàng không chung; trong đó có hai nội dung chính, thứ nhất là chính sách mở cửa bầu trời trong các nước ASEAN. Thứ hai là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, an toàn hàng không, khai thác cảng, quản lý, điều hành bay.

Mở cửa bầu trời là vấn đề quan trọng, quyết định nhất trong xây dựng thị trường hàng không chung ASEAN. Trong chiến lược mở cửa bầu trời của ASEAN, trước hết là tự do hóa không hạn chế các quyền vận chuyển từ tần suất, tải cung ứng, loại máy bay đối với thương quyền 3, thương quyền 4, thương quyền 5 (cho phép vận chuyển hàng không giữa các nước và đi đến nước thứ ba). Hiện nay, các thương quyền này đã được tự do hóa hoàn toàn trong các nước ASEAN. Vấn đề thứ hai là tự do hóa các dịch vụ phục vụ cho vận tải hàng không. ASEAN đã ký 10 gói cam kết và 10 nghị định thư liên quan đến các gói cam kết này để điều chỉnh về dịch vụ vận tải, các phân khúc dịch vụ; đồng thời, thống nhất có 13 dịch vụ hỗ trợ vận tải. Vừa qua, các nước ASEAN đã ký kết nghị định thư thực hiện gói cam kết thứ 11 về dịch vụ vận tải hàng không, mở thêm gói dịch vụ làm thủ tục hàng hóa. Như vậy, đến nay, Việt Nam đã tham gia 9/13 dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không, nằm trong số những nước cam kết nhiều nhất, đi đầu trong vấn đề mở cửa các dịch vụ.

PV: Các nước ASEAN và Trung Quốc cũng vừa ký kết Nghị định thư số 3 về mở rộng thương quyền 5 trong lĩnh vực hàng không. Ông có thể cho biết việc triển khai cụ thể nội dung này?

Ông Đinh Việt Thắng: Tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 25 (ATM 25) tổ chức ở Việt Nam vào tháng 11-2019, các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển thứ 5 (thương quyền 5) thuộc Hiệp định vận tải hàng không ASEAN-Trung Quốc. Đây là cố gắng rất lớn của ASEAN và Trung Quốc trong vấn đề mở cửa thị trường, đặc biệt, với thương quyền 5, các nước có thể khai thác vận tải hàng hóa và hành khách đến nước thứ ba.

Trước khi ký gói cam kết số 3 này, Trung Quốc và ASEAN đã tự do hóa hoàn toàn thương quyền 3, thương quyền 4 (cho phép vận chuyển hàng không giữa các nước ký kết) và một phần thương quyền 5. Các nước ASEAN có quyền bay sang 18 điểm đến tại Trung Quốc; đồng thời, Trung Quốc có quyền bay sang 10 điểm đến của các nước ASEAN. Với gói cam kết số 3, chúng ta mở rộng thêm để đạt đầy đủ thương quyền 5. Các nước ASEAN có thêm 8 điểm đến và Trung Quốc thêm 8 điểm đến.

Máy bay chuẩn bị cất cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: HƯNG MẠNH

Nâng cao sức cạnh tranh cho các hãng hàng không

PV: Các nội dung về hợp tác hàng không mới được ký kết sẽ tạo cơ hội và thách thức gì cho các hãng hàng không Việt Nam, thưa ông?

Ông Đinh Việt Thắng: Việc ký kết các nghị định thư này tạo ra cơ hội rất lớn. Thứ nhất, đối với dịch vụ hỗ trợ vận tải, các nước ASEAN có thể mở rộng thị trường ra toàn khối. Như vậy, sẽ có thêm nhà cung cấp dịch vụ và từ đó thúc đẩy việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành. Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi cho hành khách cũng như các nhà cung ứng hàng hóa trong giao thương giữa các nước ASEAN với nhau. Thứ hai là Nghị định thư số 3 đối với Trung Quốc, đây là vấn đề rất quan trọng. Thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất với khối ASEAN và hiện nay các nước ASEAN cũng có số lượng chuyến bay rất lớn đến Trung Quốc. Riêng với Việt Nam, chúng ta có hàng trăm chuyến bay đến Trung Quốc mỗi tuần. Các cam kết về hợp tác hàng không với Trung Quốc sẽ tạo nhiều điều kiện cho các hãng hàng không của ASEAN, không chỉ bay tới Trung Quốc mà còn từ đó bay sang nước thứ ba hoặc từ nước thứ ba đến Trung Quốc.

Cùng với cơ hội, việc mở rộng hợp tác hàng không cũng tạo sự cạnh tranh lớn hơn. Chúng ta được tạo điều kiện bay đến Trung Quốc thì đồng thời các hãng hàng không Trung Quốc cũng mở rộng thị trường đến ASEAN. Tôi nghĩ rằng các hãng hàng không của ASEAN đã nghiên cứu kỹ và bản thân các nước ASEAN trong quá trình đàm phán cũng đã tính toán lộ trình.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu của hàng không Việt Nam khi phải cạnh tranh trên các thị trường này?

Ông Đinh Việt Thắng: Trong năm 2019, lượng hành khách đi lại bằng hàng không giữa Việt Nam và các nước ASEAN gần 30 triệu lượt khách, chiếm khoảng 38% tổng thị trường của chúng ta. Còn với Trung Quốc, đây là quốc gia có thị trường hàng không đứng thứ hai đối với Việt Nam. Tổng lượng hành khách Trung Quốc đến Việt Nam qua đường hàng không năm 2019 đạt xấp xỉ 7 triệu lượt. Điều đó cho thấy cơ hội rất lớn để chúng ta tiếp cận được những thị trường này. Bản thân các hãng hàng không của các nước ASEAN và Trung Quốc cũng là những hãng lớn. Vì vậy, chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng hình ảnh. Tôi cho rằng, các hãng không của Việt Nam đã sẵn sàng cho việc này. Thực tế là Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), Vietjet, Jetstar Pacific, mới đây là Bamboo Airways đã tăng nhiều chuyến bay đến các nước ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam đã có thời gian chuẩn bị dài và tôi tin rằng, các hãng hàng không của Việt Nam sẽ thành công khi thị trường được mở rộng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MẠNH HƯNG (thực hiện)