Dư địa tăng trưởng thương mại còn lớn
Ngay từ đầu năm 2021, xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam đã đón tin vui khi 60 tấn gạo thơm đầu tiên của DN Việt Nam được XK sang Anh theo UKVFTA. Đây được đánh giá là tín hiệu tích cực từ lợi thế mà UKVFTA mang lại. Bởi theo hiệp định này, gạo thơm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được miễn thuế thay vì phải chịu mức 17,4% như trước đây. Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam, trước đây số lượng gạo XK của Việt Nam vào Anh không đáng kể do bị áp thuế cao. Chính vì vậy, việc được giảm thuế theo cam kết UKVFTA sẽ là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam. Điều này giúp gạo Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn so với những nước cùng XK gạo thơm sang Anh như Thái Lan.
 |
Hoạt động sản xuất gạo tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời. |
Bộ Công Thương cho biết, tuy bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước ước tính vẫn đạt 5,55 tỷ USD trong năm 2020. Trong đó, XK của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 4,88 tỷ USD, nhập khẩu đạt 670 triệu USD. Song, mức tăng trưởng này chưa phản ánh đúng tiềm năng của thị trường Anh. Hiện nay, dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước còn rất lớn, khi giá trị hàng hóa Việt Nam XK sang Anh chỉ chiếm khoảng 1% tổng nhập khẩu của Anh và giá trị hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam mới chiếm 0,17% giá trị hàng hóa Anh XK ra thế giới.
Trong lĩnh vực đầu tư, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số 137 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh-một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 9 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 11,5 triệu USD tại Anh...
Nhiều mặt hàng có lợi thế XK
Khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), các ưu đãi mang lại từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh. Bởi vậy, việc UKVFTA được ký kết và đi vào thực thi sẽ bảo đảm thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn. Đáng chú ý, UKVFTA về cơ bản kế thừa các cam kết đã có trong EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. Trong đó, liên quan tới lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, đối với hàng hóa Việt Nam, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế. Như vậy, UKVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực, thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam-Anh trong những năm tới. Đặc biệt, những cơ hội và lợi ích lớn nhất tạo ra từ hiệp định phải kể đến là thúc đẩy XK các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Điểm danh những mặt hàng có nhiều lợi thế XK vào Anh, Bộ Công Thương cho biết, thủy sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có lợi thế về cả kinh nghiệm, năng lực sản xuất và nguồn cung dồi dào. Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỷ USD/năm, trong khi đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,7%. Ngoài ra, mặt hàng gạo sẽ có cơ hội lớn chưa từng có, đặc biệt là gạo thơm. Mặc dù Việt Nam làm một trong những nước XK gạo hàng đầu thế giới nhưng XK gạo sang Anh vẫn ở mức khiêm tốn với khoảng 0,2%. Bên cạnh đó, thị hiếu của người tiêu dùng Anh ưa thích các sản phẩm nhiệt đới; chính vì vậy, nhiều mặt hàng hoa quả thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa... sẽ có cơ hội tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tại thị trường Anh. Về phía Việt Nam, các ưu đãi về thuế quan và những cam kết minh bạch hóa về tiêu chuẩn chất lượng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy việc cải tiến hoạt động sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường đầy tiềm năng này.
UKVFTA được đánh giá là cơ hội tăng khả năng cạnh tranh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá, cũng như các thị trường khác tại EU, Anh là quốc gia có nhiều rào cản khắt khe với sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm lương thực thực phẩm. Cụ thể là tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường, thẩm mỹ... Để khai thác hiệu quả UKVFTA đòi hỏi DN phải hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu thị trường, đổi mới phát triển sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và thị hiếu của người tiêu dùng Anh, tiếp tục nâng cao trình độ thương mại chuyên nghiệp để xác lập lòng tin vững chắc của bạn hàng.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, nhu cầu trong năm 2021-2022 về các sản phẩm may mặc, tiêu dùng sẽ tăng lên, tuy nhiên, để thuận lợi XK sang thị trường này, DN cần quan tâm nhiều đến xuất xứ sản phẩm cũng như các rào cản kỹ thuật chặt chẽ. Dù vậy, theo ông Đỗ Hà Nam, khi thị trường càng có nhiều rào cản khắt khe thì DN càng phải nỗ lực hơn, và đó là cơ hội để ngành hàng tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững. Bằng chứng là để tận dụng tốt các FTA nói chung, nhiều DN trong ngành gạo XK của Việt Nam đã chủ động liên kết với các địa phương để trồng lúa chuyên canh bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh dư lượng thuốc trừ sâu để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bài và ảnh: MINH ĐỨC