“Xuân thu nhị kỳ”, câu nói đó dường như khá đúng khi đề cập đến việc họp Quốc hội. Ngoại trừ những năm tiến hành bầu cử, Quốc hội thường họp 3 lần, còn lại vẫn đều đặn họp mỗi năm hai lần. Nội dung, chương trình nghị sự từng kỳ họp, từng ngày họp, các phương tiện thông tin đại chúng đã cập nhật nhiều, nhưng có những chuyện bên lề nghị trường thì không phải ai cũng biết…
Các nhà báo phỏng vấn đại biểu Dương Trung Quốc bên lề Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII (tháng 11-2015).
Ấn tượng những chi tiết nghị trường!
Tôi là một trong bốn phóng viên của Báo Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ theo dõi, phản ánh Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII diễn ra cuối năm 2015. Ngoài việc thay nhau bám nắm diễn biến những phiên thảo luận ở Phòng họp Diên Hồng (nơi Quốc hội họp), thảo luận ở tổ, thì việc tác nghiệp bên ngoài hành lang như thực hiện phỏng vấn nhanh, chứng kiến không khí kỳ họp, ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội… cũng rất quan trọng đối với các nhà báo.
Từ ngày Nhà Quốc hội được đưa vào hoạt động, cánh báo chí phấn khởi lắm, vì vừa có Trung tâm Báo chí rộng rãi, khang trang, vừa rất gần Phòng họp Diên Hồng, tiện gặp các đại biểu. Tuy vậy, cũng giống như những kỳ họp trước, ngoại trừ các phóng viên có "Thẻ A" được ở trong và ngoài hội trường, còn lại ai muốn lên tác nghiệp lúc Quốc hội nghỉ giải lao phải được Trung tâm Báo chí (thuộc Văn phòng Quốc hội) cấp “Thẻ sự kiện”, có giá trị trong ngày. Phóng viên nào nhanh chân đến sớm sẽ được cấp thẻ, và ngược lại... Với nhiều nhà báo, khoảng thời gian 20 phút Quốc hội giải lao mới thực sự là “phút vàng”, điều này xuất phát từ yêu cầu về thông tin, cách tiếp cận nội dung và đối tượng bạn đọc của từng báo.
Phòng họp Diên Hồng được bố trí trên tầng 4 của Nhà Quốc hội, có ba cửa lớn ra hành lang. Mỗi hành lang lại có các sảnh khá rộng (giống như những gian phòng không có cửa) để các đại biểu Quốc hội dùng nước uống, đồ ăn nhẹ, trò chuyện trong giờ giải lao. Theo quy định, phóng viên chỉ có thể được tác nghiệp ở hành lang, nếu ai chỉ có "Thẻ sự kiện" nhưng mải “bám nắm” đại biểu, lỡ chân bước… vào sảnh, lập tức sẽ được lực lượng an ninh nhắc nhở nhẹ nhàng bằng thái độ nghiêm túc!
Kỳ họp thứ mười diễn ra đúng dịp Quốc hội chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946/6-1-2016), vì vậy, tại hành lang Phòng họp Diên Hồng, Văn phòng Quốc hội tổ chức trưng bày những tư liệu, bài viết, thông tin, hình ảnh, lời hiệu triệu, chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh, Chính phủ lâm thời… liên quan đến sự kiện trọng đại này. Hình thức trưng bày ấy không chỉ làm đẹp thêm nghị trường, mà còn giúp các đại biểu Quốc hội và cả các nhà báo hiểu hơn về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam cách đây 7 thập kỷ.
Thú vị chuyện tác nghiệp!
Sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội những năm gần đây là điều mà mọi người dễ nhận thấy. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ mười vừa qua, với nỗ lực đổi mới hoạt động, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành chất vấn tổng thể (chất vấn quét) việc thực hiện toàn bộ nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII về tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội và hoạt động tư pháp. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói với chúng tôi rằng, đây là kỳ họp có nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội nhất, với 140 câu hỏi; cũng là kỳ họp có nhiều thành viên Chính phủ, trưởng ngành tham gia trả lời nhất, với 22 thành viên Chính phủ, trưởng ngành. Trong đó có cả Thủ tướng Chính phủ và ba Phó thủ tướng là Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Đức Đam. Đây cũng là kỳ họp đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp đăng đàn, trả lời chất vấn trước Quốc hội và cũng là lần đầu tiên Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, để "bàn giao" cho Quốc hội khóa tới.
Đối với cánh báo chí, sự đổi mới ấy được hiển hiện trên từng con chữ, khuôn hình... Để chuyển tải, cung cấp những thông tin chính xác, hấp dẫn, nóng hổi nhất đến bạn đọc và nhân dân, các phóng viên tác nghiệp tại nghị trường đã phải nỗ lực rất lớn theo cách riêng của mình.
Thông thường, mỗi phiên thảo luận, rất nhiều đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu đóng góp xây dựng pháp luật, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách vĩ mô, hiệu lực giám sát tối cao của Quốc hội. Trước đây, vào đầu giờ chiều, Trung tâm Báo chí thường có văn bản gốc, gỡ từ băng ghi âm phát biểu của đại biểu Quốc hội tại nghị trường phục vụ các nhà báo. Nhưng tại những kỳ họp gần đây, không hiểu vì sao nguồn tư liệu quý giá này chỉ được cung cấp vào chiều muộn, thậm chí vào… sáng hôm sau! Nếu chờ “đồ ăn sẵn” hoặc đến cuối buổi họp, các nhà báo mới tự “bóc băng” thì việc nộp tin, bài cho tòa soạn sẽ quá muộn. Do đó, các phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cách làm rất sáng tạo: Họ phối hợp với một số phóng viên báo khác tiến hành gỡ băng theo kiểu “cuốn chiếu”, ngay sau khi đại biểu kết thúc ý kiến. Ai gỡ xong gửi cho cả nhóm bản gốc, mỗi người sẽ tự lựa chọn ý kiến, nội dung, chủ đề quan tâm để hoàn thành tác phẩm báo chí theo "gu" của báo mình. “Làm theo cách này không sợ trùng nguyên văn nội dung tin bài, và khi Quốc hội kết thúc ngày làm việc, chúng em đã cơ bản hoàn thành khung, sườn nội dung tin, bài”-phóng viên Chiến Thắng của Báo Quân đội nhân dân chia sẻ.
Lần đầu tham gia tác nghiệp tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, nữ phóng viên trẻ Vũ Dung đã không tránh khỏi cảm giác lo lắng, hồi hộp. Vũ Dung bộc bạch: “Mới đầu, em chỉ dám đi theo các anh chị có kinh nghiệm. Họ hỏi gì đại biểu thì mình ghi nấy! Ngoài áp lực về công việc, em còn rất lúng túng trong kỹ năng tác nghiệp. Đơn giản như việc xưng hô. Đại biểu Quốc hội toàn bậc tuổi cha chú, em phải lựa cách xưng hô sao cho phù hợp nhất để vừa giữ được tư cách phóng viên, vị thế tờ báo, vừa thể hiện sự tôn trọng, thân thiện với đại biểu…”.
Và nữ phóng viên của tờ báo chiến sĩ đã có cách xưng hô “phù hợp nhất”, đó là bất kể đại biểu già hay trẻ, nam hay nữ, khi phỏng vấn, cô đều xưng hô là “Thưa đại biểu”, “Xin đại biểu cho biết”, “Cảm ơn đại biểu”... Còn trong quan hệ xã giao, đời thường, ai nom “già già” thì cô gọi là “cô, chú”, ai nhìn “tre trẻ” thì cô gọi là “anh, chị”. Với cách tác nghiệp linh hoạt đó, khi kết thúc kỳ họp Quốc hội, Vũ Dung đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, trực tiếp phỏng vấn 4 thành viên Chính phủ và nhiều đại biểu Quốc hội rất nổi tiếng.
Trong quá trình tác nghiệp, khi nhắc đến Báo Quân đội nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ rõ sự yêu quý và dành cho chúng tôi những cuộc phỏng vấn độc quyền, trong đó có đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau); Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình); Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị); Phùng Khắc Đăng (đoàn Sơn La); Nguyễn Văn Rinh (đoàn Hải Dương)... Đó chính là sự động viên, khích lệ rất lớn để chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ tác nghiệp tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII vừa qua.
Bài và ảnh: LÊ THIẾT HÙNG