Chuyển mình vượt khó
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, đó cũng là giai đoạn chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ của hàng nghìn doanh nghiệp và nông dân địa phương để tồn tại và vượt qua khó khăn. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Quang ở phường 5, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Vốn là một nông dân chỉ chuyên trồng các loại hoa, như: Ly ly, cúc, cát tường... nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm 2021, ông Quang chuyển một phần diện tích vườn sang trồng ngô, củ cải, cà rốt. “Mặc dù giá các loại rau củ vẫn thấp hơn nhiều so với thời gian trước khi xảy ra dịch, nhưng việc chuyển từ trồng hoa (không thể tiêu thụ được vì dịch) sang trồng rau củ đã giải quyết được vấn đề đầu ra. Bởi đây là hàng hóa thiết yếu, có thể lưu thông và tiêu thụ vào vùng dịch, giúp chúng tôi giảm bớt khó khăn, thiệt hại”, ông Nguyễn Văn Quang chia sẻ.
Cùng với chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân và doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã áp dụng phương thức sản xuất cuốn chiếu, rải vụ, chia nhỏ diện tích, đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Ông Huỳnh Văn Nam, một nông dân chuyên trồng rau ở phường 7, TP Đà Lạt cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng duy nhất rau xà lách và thường xuống giống đồng loạt trên toàn bộ diện tích vườn, thì nay chỉ xuống giống 50% diện tích. Bây giờ, ngoài xà lách, tôi trồng thêm một số loại rau, củ khác, như: Súp lơ, cà chua, cải bắp... Sản xuất nửa diện tích tránh nguy cơ “dội hàng”; đất đai được nghỉ ngơi, tái tạo cho những vụ sau. Trường hợp nếu không bán được hàng thì thiệt hại cũng chỉ bằng một nửa so với trồng toàn bộ diện tích. Mặt khác, việc trồng đa dạng các loại rau, củ giúp khách hàng có thêm nhiều sự chọn lựa, đầu ra cho sản phẩm thuận tiện hơn”.
 |
Sản xuất hoa công nghệ cao tại làng hoa Vạn Thành, phường 5, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, các tỉnh, thành phố phía Nam hiện là thị trường tiêu thụ chủ yếu của nông sản Lâm Đồng (chiếm khoảng 60% sản lượng hằng năm). Do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội nên việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản của Lâm Đồng vào các thị trường này gặp nhiều khó khăn. Với những hộ nông dân sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, “tự sản, tự tiêu” thì việc tiêu thụ sản phẩm lại càng khó gấp bội. Tham gia vào các mô hình liên kết được xem là “cánh cửa” hữu hiệu để người dân và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Điều này cũng đã thúc đẩy hàng loạt mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản ra đời. Tính đến tháng 8-2021, toàn tỉnh có 110 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó có 23 chuỗi cấp tỉnh, 87 chuỗi cấp huyện, với sự tham gia của khoảng 12.500 hộ nông dân.
Chỉ đạo sát, hỗ trợ kịp thời
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19 là yêu cầu khách quan. Để sự chuyển đổi diễn ra đúng hướng, đạt hiệu quả, rất cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ của Nhà nước". Từ đầu năm 2020, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội lần đầu theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh xây dựng kịch bản, nắm chắc diễn biến thị trường, tổ chức sản xuất ứng phó với tình hình dịch bệnh. Ngày 21-5-2021, Sở NN&PTNT tỉnh có Văn bản số 278/SNN-KH đề nghị các địa phương trong tỉnh điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đối tượng sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, mở rộng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Chuyển một phần diện tích trồng rau, hoa ngắn ngày và rau ăn lá như xà lách, tần ô, bó xôi... sang trồng các loại rau ăn củ như cà rốt, su hào, khoai tây... bởi đây là những loại nông sản có thể bảo quản được lâu ngày, dễ vận chuyển, tiêu thụ trong vùng dịch.
Ngày 2-8-2021, Sở NN&PTNT tỉnh ban hành Kế hoạch số 1328 về "Tổ chức sản xuất rau củ trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19". Từ nay đến cuối năm, Lâm Đồng sẽ chuyển gần 160ha diện tích trồng hoa ngắn ngày đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sang trồng các loại rau củ, khuyến cáo nông dân ký kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm ổn định đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, phát triển quy mô liên kết với các hộ sản xuất, chủ động nguồn giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh...
Hiện nay, mỗi ngày Lâm Đồng cung ứng cho thị trường khoảng 6.500 tấn nông sản, trong đó khoảng 4.000 tấn rau, củ về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Để bảo đảm nguồn cung không bị đứt gãy, tỉnh Lâm Đồng đã mở rộng “luồng xanh”, tập trung ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho toàn bộ lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tổ chức huy động cán bộ, chiến sĩ LLVT, đoàn thanh niên, lực lượng tình nguyện, người dân tham gia hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, từ ngày 22-8 đến 15-9, tỉnh Lâm Đồng đã thu mua 6.000 tấn nông sản của các hộ nông dân để tổ chức tặng TP Hồ Chí Minh. Việc làm này không chỉ thể hiện tình cảm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng với người dân vùng dịch mà còn góp phần giúp nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, ổn định sản xuất.
Với sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền và nỗ lực của người dân, quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng đang diễn ra đúng hướng và bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhiều nông dân và doanh nghiệp tại Lâm Đồng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, giống, phân bón, kỹ thuật canh tác và đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, Lâm Đồng cũng như các tỉnh Tây Nguyên đang thiếu trầm trọng lao động phổ thông để thu hoạch nông sản, nhất là cà phê. Đây là những khó khăn cần được các cấp, các ngành nhanh chóng tháo gỡ để ngành nông nghiệp Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung chuyển đổi thành công, phát triển bền vững và "sống chung" an toàn với dịch bệnh.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG