Đa dạng mô hình theo phân khúc khách hàng
Trước đòi hỏi của thị trường và nhu cầu mua sắm ngày càng đa dạng, các đơn vị bán lẻ đã chủ động gia tăng thị phần, tạo điều kiện đưa hàng hóa chất lượng cao, nhất là hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Ở khu vực Đông Nam Bộ, bên cạnh những trung tâm thương mại, siêu thị, nhiều cửa hàng tiện lợi liên tục được phát triển với những thương hiệu uy tín, như: Co.op Food, Co.op Smile, Bách hóa xanh, Satrafoods, Vissan... Điểm nhấn quan trọng của các mô hình này là tiếp cận đến khu vực vùng ven đô thị, khu dân cư, khu lưu trú công nhân, tạo “cánh tay nối dài” cho hàng Việt với không gian mua sắm hiện đại và tích hợp tiện ích khác.
Tham quan mua sắm tại siêu thị Finelife Supermarket Urban Hill vừa được đưa vào hoạt động tại quận 7, TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Hồng Châu (ngụ tại phường Tân Phong, quận 7) chia sẻ: “Siêu thị này bảo đảm đa dạng các nhu cầu mua sắm từ thực phẩm đến tạp hóa, đồ dùng gia đình nên rất phù hợp với người sống ở chung cư như gia đình tôi. Trong điều kiện phòng, chống dịch, tôi có thể đến siêu thị và mua hàng hóa cho gia đình sử dụng trong khoảng 2-3 ngày, từ đó tiết kiệm thời gian mua sắm, hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người”. Finelife chính là mô hình bán lẻ hiện đại do Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh phát triển, áp dụng công nghệ E-label điều chỉnh tự động và có quầy thanh toán tự động cho khách hàng.
 |
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm tại hệ thống siêu thị của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh. |
Bên cạnh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh, hệ thống siêu thị BigC cũng chuyển đổi thành mô hình bán lẻ đại siêu thị GO! và Tops Market để tiếp cận nhiều hơn những phân khúc khách hàng với các dịch vụ mới. Những tháng đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư thế giới di động cũng đưa vào hoạt động một số siêu thị Điện máy xanh và cửa hàng tiện lợi Bách hóa xanh. Theo ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng Quan hệ công chúng chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh, hàng hóa tại cửa hàng rất đa dạng bảo đảm tốt nhu cầu người nội trợ. Đơn vị cũng quan tâm liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất tại các địa phương để đưa sản phẩm vào chuỗi hệ thống cửa hàng góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm.
Trước tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc kết nối cung cầu, tìm đầu ra cho hàng Việt cũng là bài toán đặt ra cho đơn vị bán lẻ tìm lời giải với vai trò tạo cầu nối cho hàng Việt tiếp cận vào những kênh phân phối hiện đại. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi có gần 1.000 điểm bán lẻ hiện đại trên cả nước, là nơi kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm, thương hiệu Việt. Đơn vị liên tục đưa vào hoạt động những điểm bán mới với mong muốn giữ thị phần 43-45% trong thị trường bán lẻ thời gian tới. Chúng tôi sẽ tạo ra sự khác biệt với người tiêu dùng thông qua giải pháp cơ cấu lại mặt hàng, số hóa mô hình kinh doanh, phát huy vai trò tiên phong trong bình ổn thị trường, tiêu dùng xanh”.
Theo ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), việc mở rộng kênh phân phối và phát triển sản phẩm mới là chiến lược được Vissan ưu tiên hàng đầu. Thực tế cho thấy, ngành bán lẻ có xu hướng phát triển ở các khu vực dân cư, vùng ven đô thị với đa dạng kênh phân phối, bán lẻ. Các mô hình bán lẻ cũng tích hợp nhiều chức năng như giải trí, ẩm thực... tạo điều kiện mua sắm thuận lợi và dễ dàng cho người tiêu dùng.
Giao dịch trực tuyến trong bán lẻ
Dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều xu hướng cho ngành bán lẻ nói chung, trong đó, đã thúc đẩy giao dịch trực tuyến. Đây là thách thức nhưng cũng tạo cơ hội, động lực để các đơn vị bán lẻ đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới nhằm mang lại nhiều tiện ích hơn. Người tiêu dùng cũng đang có xu hướng tìm hiểu sản phẩm và mua sắm trực tuyến với những tiêu chí về truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Từ đó cho thấy, bên cạnh mô hình trung tâm thương mại, siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các đơn vị bán lẻ đã quan tâm đến thương mại điện tử như một mô hình bán lẻ mới.
Mới đây, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (thương hiệu Ví điện tử MoMo) đã ký kết hợp tác chiến lược đẩy mạnh số hóa trên hệ thống siêu thị: Co.opmart, Co.opXtra, cửa hàng Co.op Food... và trở thành đơn vị bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ số trên diện rộng. Trước đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố đã có hệ sinh thái bán lẻ qua app “Saigon Co.op”, wesite, tổng đài, kênh HTVco.op... nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm hiện đại, tiện lợi và an toàn.
Ông Tống Khánh Vân, Phó giám đốc siêu thị Co.opMart Bình Dương cho rằng: “Ngành bán lẻ không thể đứng ngoài sân chơi thương mại điện tử. Trước đây, chúng ta thu hút khách hàng đến siêu thị, nhưng ngày nay chúng ta sẽ đưa siêu thị đến từng người thông qua nền tảng trực tuyến. Đây là xu hướng phát triển chung của ngành và cũng là bài học từ công tác phòng, chống dịch Covid-19 mang lại. Giao dịch trực tuyến sẽ mang đến sự tiện ích và các cửa hàng, siêu thị là không gian trải nghiệm và giữ chân người tiêu dùng. Đơn vị bán lẻ luôn chú trọng sự kết hợp này để đa dạng hóa kênh bán hàng, mang đến lợi ích cho người tiêu dùng”.
Với những chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường bán lẻ, các đơn vị bán lẻ đã và đang tiếp tục chuyển đổi số để thích ứng. Việc phát triển giao dịch trực tuyến vừa giúp đơn vị bán lẻ hoàn thành hệ sinh thái bán hàng, vừa giúp tăng cường chăm sóc khách hàng trong thời điểm công nghệ 4.0. Chẳng hạn, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đã phát triển mô hình bán lẻ Satrafoods với dịch vụ nhận đặt hàng qua điện thoại, đặt hàng online. Công ty Vissan cũng ra mắt website kinh doanh thực phẩm trực tuyến tại địa chỉ http://vissanmart.com. Cùng với đó, đơn vị phát triển đường dây nóng 19001960 và ứng dụng trên thiết bị di động giúp nhân viên tiếp nhận đơn hàng và chuyển cho cửa hàng gần nhất với địa chỉ khách hàng. Người tiêu dùng chỉ cần vài thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử thông minh sẽ mua sắm được hàng hóa.
Cuối tháng 1-2021 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã phối hợp các đơn vị ra mắt sàn thương mại điện tử tại địa chỉ https://hvnclc.chophienonline.vn. Theo ông Huỳnh Quang Hiền, Giám đốc vận hành BSA, sàn thương mại điện tử này hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp có nguồn hàng Việt phù hợp cho việc bán hàng online, tìm kiếm cơ hội hợp tác bán hàng... Đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp các vấn đề về chiến lược kinh doanh, phát triển kênh bán hàng online, quảng bá thương hiệu online đến với cộng đồng.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG