QĐND - Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng (tỉnh Điện Biên) một ngày cuối tháng 4-2014, trời bỗng hửng nắng sau nhiều ngày mưa giăng nhớp nháp. Trước mắt tôi, những dòng người nối dài ngược núi để “thực mục sở thị” địa điểm từng góp phần làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu” 60 năm trước. Hai bên đường vào khu di tích, có rất đông bà con dân tộc Thái bày bán những sản vật địa phương như mật ong, đồng bạc hoa xòe, vòng đeo tay, thảo dược, đồ dệt thổ cẩm… Trước quầy hàng của một phụ nữ Thái, có khá đông người mua, đa phần là đàn ông. Tôi nghe rõ một người hỏi:

- Cái vòng bạc này giá bao nhiêu em ơi?

- Giá 150.000 đồng đấy anh ạ - người phụ nữ Thái chừng 26 tuổi, có gương mặt khá thanh thoát trả lời.

- Giời! Người thì xinh mà sao bán hàng lại đắt vậy! Em là gái Thái trắng, Thái đen, hay Thái… Bình?

Tôi nhìn kỹ. Đó là một anh chàng đầu húi cua, da đen, hẳn là đi cùng đoàn tham quan “về nguồn” của một cơ quan, doanh nghiệp nào đó. Trên miệng phì phèo thuốc lá, anh đầu cua không thấy mua hàng mà chỉ buông lời ẩn ý:

- Em ơi, đã “tằng cẩu” chưa?

Người phụ nữ Thái im lặng. Thấy vậy, mấy người đàn ông đi cùng tỏ vẻ khoái chí, hùa vào: “Cô này chắc chắn là “tằng cẩu” rồi. Nhìn người thì biết”.

Trước những lời bình luận, bàn tán khá vô ý ấy, người phụ nữ Thái đen tỏ vẻ khó chịu. Cô đáo để nói:

- Em “tằng cẩu” rồi đấy! Còn các bác, chẳng phải ai cũng có vợ rồi đó sao?

Trước câu nói rất nhã nhặn nhưng sâu cay ấy, mấy người đàn ông buộc phải giãn ra. Tuy nhiên, trước khi bỏ đi, anh chàng tên Khang vẫn buông thêm lời chòng ghẹo:

- Tiếc quá, sao em sớm vội “tằng cẩu” vậy. Còn anh đây vẫn còn “gin” đó em!

Nhiều người chứng kiến đoạn đối thoại trên, trong đó có tôi, tỏ vẻ khó chịu với mấy người đàn ông nọ. Thực ra, hai từ “tằng cẩu” không phải là ẩn ngữ khó hiểu. Người phụ nữ Thái đen khi lấy chồng, theo phong tục phải búi tóc lên trên đỉnh đầu, tiếng Thái gọi là “tằng cẩu”. Đây là dấu hiệu để phân biệt giữa phụ nữ có chồng và chưa chồng. “Tằng cẩu” một mặt thể hiện sự thuỷ chung của người phụ nữ với chồng, đồng thời cũng là cách tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng. Đó là một nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Thái đen. Chẳng hiểu mấy người đàn ông kia có hiểu được ý nghĩa thực sự của hai từ “tằng cẩu” hay không, nhưng cái cách mà họ học mót được một từ của đồng bào bản địa rồi buông lời vô ý như vậy-nhất là trong một cuộc du lịch tham quan “về nguồn”-thì thật là không nên.

LÊ THIẾT HÙNG