QĐND - Công tác thông tin tuyên truyền trước và trong quá trình thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh chưa thực hiện tốt; cây trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ; đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố và kỷ luật lãnh đạo phòng thuộc Sở Xây dựng Hà Nội… là những nội dung chính trong kết luận của Thanh tra TP Hà Nội về vụ chặt hàng loạt cây xanh tại Hà Nội, được công bố ngày 19-5.
Thay thế, cải tạo cây xanh là việc làm cần thiết
Sau khi thực hiện thanh tra toàn diện từ chủ trương đến triển khai, tổ chức thực hiện việc cải tạo thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố, Chánh thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn Dũng cho biết: Hệ thống cây xanh nói chung và cây xanh đường phố Hà Nội nói riêng rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do được trồng qua nhiều thời kỳ, đến nay nhiều cây bị già cỗi, sâu mục, có nguy cơ đổ, gãy; một số cây kém phát triển bởi hè phố hẹp hoặc bị chặt rễ trong quá trình thi công, cải tạo vỉa hè, làm công trình ngầm; nhiều gốc cây bị tình trạng lấn chiếm, xâm hại, mất khoảng không để sinh trưởng và phát triển; có một số cây do mưa to, gió lớn đã bị đổ, gãy gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản, đường dây thông tin và giao thông của thành phố. Nhiều tuyến phố, tuyến đường cây được trồng không đúng chủng loại cây đô thị như: Dâu da, vông, dướng, trứng cá… Các loại cây này là cây gỗ nhỏ, dễ gãy đổ khi gặp mưa bão, cây có nhiều quả rụng gây mất vệ sinh môi trường, có nhiều sâu, chiều cao thấp che khuất tầm nhìn, không phù hợp với cây trồng đường phố...
Trong những năm qua, thành phố luôn coi trọng và quan tâm cải tạo, phát triển hệ thống cây xanh, nhiều công viên, vườn hoa được xây dựng mới hoặc cải tạo. ở một số địa điểm, mặc dù trước đây đã có chủ trương đầu tư xây dựng công trình nhưng thành phố đã xem xét lại và quyết định xây dựng công viên, vườn hoa… góp phần tăng diện tích cây xanh của thành phố. Cùng với việc nêu trên, thành phố đã thường xuyên cải tạo, thay thế, bổ sung cây xanh trên các tuyến đường, tuyến phố; kiểm tra, rà soát, tổ chức cắt tỉa các cành cây, tán cây có nguy cơ gãy đổ, chặt hạ những cây sâu mục, khô chết trên các tuyến phố trước và trong mùa mưa bão. Đây là việc làm thường xuyên, cần thiết để góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Chưa phát hiện thất thoát, tiêu cực
Trong kết luận thanh tra, ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng cũng nêu rõ: Việc lập và phê duyệt Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội năm 2014-2015 là phù hợp quy định của pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý cây xanh đô thị bền vững theo Luật Thủ đô. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị cơ bản thực hiện theo quy trình về cấp phép, thực hiện chặt hạ, dịch chuyển, trồng cây thay thế, trồng bổ sung cây xanh đô thị theo quy định. Qua kiểm tra thấy số lượng gỗ, củi thể hiện trên phiếu nhập kho khớp với số lượng gỗ, củi thu hồi thể hiện trên các biên bản xác định gỗ, củi thu hồi. Đến nay chưa phát hiện thất thoát, lãng phí tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình tổ chức thực hiện…
Tuy nhiên, qua quá trình thanh tra, ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng khẳng định, việc triển khai đề án còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót. Cụ thể, trong đề án, tiêu đề một số mục nêu chung chung, chưa nêu rõ tiêu chí để đánh giá, phân định, như: Chưa làm rõ số lượng cây dự kiến phải chặt hạ, thay thế; số lượng cây dự kiến dịch chuyển để trồng theo quy hoạch; số cây dự kiến từng bước thay thế do cây không đúng chủng loại đô thị; cây cấm trồng, cây có nhiều sâu bọ ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan đô thị; số lượng dự kiến trồng bổ sung mới tại các tuyến phố, tại dải phân cách… Cộng với đó, công tác thông tin tuyên truyền sau khi đề án được phê duyệt lại không đầy đủ, rõ ràng dẫn đến báo chí và dư luận nhân dân hiểu lầm, bức xúc, hoang mang, lo lắng, cho rằng thành phố có chiến dịch chặt hạ 6.708 cây xanh.
Chánh thanh tra thành phố cũng cho rằng, để xảy ra những bức xúc trong dư luận còn là do việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây cho toàn bộ 6.708 cây là không chặt chẽ, không khoa học, chưa phù hợp với từng nội dung thực hiện cho từng loại cây, từng tuyến đường phố, gây nghi ngờ, băn khoăn việc có thể dẫn đến thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng...
 |
Cây xanh được đánh chuyển về vườn ươm Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: TTXVN |
Ngoài ra, việc thực hiện chặt hạ, thay thế, vận chuyển cây, gỗ chủ yếu thực hiện vào ban đêm để không cản trở, ách tắc giao thông, bảo đảm theo quy định của thành phố về thời gian hoạt động của ô tô tải trọng lớn từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau dẫn đến việc dư luận hiểu sai là làm vụng trộm, lén lút.
Liên quan đến việc một số cây trồng mới không đúng loại cây đã được cấp phép, ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng cho rằng, mặc dù thuộc chủng loại cây đô thị nhưng 103 cây không được cấp phép vẫn được trồng trên các tuyến phố là chưa thực hiện nghiêm túc nội dung giấy phép đã cấp. Trách nhiệm thuộc về đơn vị thực hiện trồng cây và đơn vị giám sát là Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng). Đặc biệt, theo kết quả giám định của Viện Khoa học Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ, không phải là cây được phê duyệt là cây vàng tâm.
Kết luận thanh tra chỉ rõ, để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trên trước hết trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng, Sở thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông của thành phố, các cơ quan chức năng được giao thực hiện; lãnh đạo thành phố cũng có phần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thiếu sát sao, cụ thể.
Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo thành phố
Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, thiếu sót và xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Thanh tra thành phố kiến nghị: UBND TP Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố do thiếu kiểm tra, sâu sát trong công tác chỉ đạo, triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian qua. Đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm và xử lý theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Xây dựng, các đơn vị có liên quan và công bố, công khai rộng rãi về kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, kiến nghị Sở Xây dựng kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng và những cá nhân trực tiếp có liên quan.
VŨ DUNG