Về vấn đề này, khi trao đổi với báo chí, ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng Chính phủ chưa cần trình Quốc hội cho điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021. Nếu tình hình dịch sớm được kiểm soát, cùng với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6% mà Quốc hội giao hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành.

Mức tăng trưởng GDP đạt 6,61% của quý II là chính xác

Ông Lê Trung Hiếu. 

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả đạt được của nền kinh tế trong 6 tháng qua?

 Ông Lê Trung Hiếu: Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4-2021, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và hiện vẫn diễn biến phức tạp đã đặt ra không ít thách thức trong quản lý, điều hành để phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh đó, GDP quý II-2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, GDP ước tính tăng 5,64%. Mặc dù tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn so với mục tiêu kịch bản đề ra nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 1,82% của cùng kỳ năm 2020. Kết quả này cho thấy, những quyết sách, chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả với mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).

PV: Ông lý giải sao về kết quả nêu trên?

 Ông Lê Trung Hiếu: Con số tăng trưởng 6,61% không có sự bất thường nào. Mặc dù chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm nay nhiều động lực của kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Điển hình là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng đạt khá, đặc biệt là lúa vụ đông xuân đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay, ở mức 68,3 tạ/ha; chăn nuôi lợn phục hồi và chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Tổng đàn lợn và gia cầm thời điểm cuối tháng 6 ước tăng lần lượt 11,6% và 5,4% so với cùng thời điểm năm trước. Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại các thị trường nước ngoài tăng trở lại, sản lượng tôm thẻ chân trắng 6 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt được kết quả tốt, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước...

Đáng chú ý, ngành chế biến, chế tạo vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao tới 11,42%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, ngành công nghiệp tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước. Nếu làn sóng Covid-19 không tác động tới các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang thì tăng trưởng sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm sẽ tăng đến 11-12%.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: MINH ĐỨC 

Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế

 PV: Thưa ông, đâu sẽ là những thuận lợi và khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% như Chính phủ đề ra?

 Ông Lê Trung Hiếu: Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả mục tiêu kép là thách thức lớn. Tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm phụ thuộc vào kết quả kiểm soát dịch bệnh cũng như các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ.

Trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ đã rất quyết tâm, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 cao hơn mục tiêu trong nghị quyết của Quốc hội, với mức 6,5%. Nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% do Chính phủ đề ra thì 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng khoảng 7,2%. Đây là mục tiêu rất khó khăn trong tình hình năng lực nội tại của nền kinh tế đang rất yếu, các tỉnh trọng điểm kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Dịch Covid-19 đang tấn công trực tiếp vào các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý II có dấu hiệu giảm dần. Cụ thể, tháng 4 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 26%, sang tháng 5 mức tăng chỉ còn 11,4%, tháng 6 chỉ còn tăng hơn 8%. Tuy vậy, sức cầu thế giới đang phục hồi mạnh, nhiều nền kinh tế lớn thế giới phục hồi sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, cả nước đang tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch và tiêm vaccine ngừa Covid-19...

PV: Vậy theo ông, Chính phủ có nên trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021?

 Ông Lê Trung Hiếu: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 khoảng 6% theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 của Quốc hội, trong 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng khoảng 6,3%. Với mục tiêu này, nếu tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát cùng với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ thì hoàn toàn có cơ sở thực hiện. Theo tôi, với tình hình hiện nay, Chính phủ chưa cần trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Tổng cục Thống kê sẽ liên tục cập nhật kịch bản tăng trưởng, làm cơ sở cho Chính phủ điều hành, chỉ đạo các tỉnh, thành phố có giải pháp phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

KHÁNH AN (thực hiện)