Nhiều rào cản từ các thị trường xuất khẩu truyền thống

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ và EU (hai thị trường chính lâu nay) thời gian gần đây liên tục sụt giảm. Lý do là tại thị trường Mỹ, cá tra Việt Nam gặp khó khăn do gặp phải sự cạnh tranh của các sản phẩm cá da trơn khác; các rào cản thương mại khi các mức thuế áp chống bán phá giá ngày càng tăng. Theo kết quả nghiên cứu từ Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) mức thuế chống bán phá giá của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) của Mỹ là 2,39USD/kg, cao gấp 3 lần so với POR12. Và gần đây, cá tra tiếp tục vấp phải các rào cản kỹ thuật quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Mỹ (các tiêu chuẩn theo Đạo luật Nông trại của Mỹ-Fambill). Áp dụng đạo luật này, Mỹ đã tiến hành kiểm tra 100% sản phẩm cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, khiến cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ mất nhiều thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp (DN)... Do đó, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đã giảm 6% trong 9 tháng năm 2017.

leftcenterrightdel

Chế biến cá tra tại Công ty Cổ phần Thủy sản Hà Nội - Cần Thơ. 

leftcenterrightdel
Nông dân đưa cá tra từ ghe vào một nhà máy chế biến tại TP Cần Thơ. 

Tại thị trường EU, thủy sản Việt Nam cũng gặp những bất lợi. Vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EC) vừa áp dụng biện pháp "thẻ vàng" đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam. Mặc dù không áp dụng cho sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng, nhưng cũng có những tác động tâm lý nhất định. Nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp đó thực chất cũng là những rào cản kỹ thuật. Qua đó có thể thấy, nếu không chủ động tìm thị trường mới thì thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

Trong hoàn cảnh bất lợi từ hai thị trường xuất khẩu truyền thống thì thị trường Trung Quốc lại nổi lên với kim ngạch xuất khẩu tăng. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc từ đầu năm 2017 đến nay tăng 44%. Điều này giúp bù đắp sự sụt giảm ở hai thị trường Mỹ, EU, đồng thời bảo đảm kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng.

Khai thác thị trường nội địa - hướng đi mới

Mặc dù là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 7,1 tỷ USD; riêng kim ngạch xuất khẩu cá tra là 1,7-1,8 tỷ USD mỗi năm, là sản phẩm chủ lực về xuất khẩu của thủy sản Việt Nam, được xếp vào danh mục sản phẩm quốc gia của ngành nông nghiệp; thế nhưng cá tra dường như vẫn còn khá xa lạ với “thượng đế nội địa”, nhất là ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này: Thứ nhất, các DN vẫn chưa thực sự coi trọng thị trường trong nước. Vì thế, việc tổ chức các kênh phân phối hiện không ít DN vẫn bỏ ngỏ; hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích chưa thực sự mặn mà với việc phân phối các sản phẩm cá tra. Thứ hai, thói quen tiêu dùng trong nước chuộng sản phẩm thủy sản tươi sống, trong khi để con cá tra đất Chín Rồng hiện diện tại miền Bắc, miền Trung phục vụ người tiêu dùng thì chỉ có thể là sản phẩm đông lạnh. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay: "Tôm nước lợ, cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực, chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta mới chỉ chú trọng đến xuất khẩu mà chưa chú trọng đến thị trường trong nước với hơn 92,7 triệu dân".

Các DN sản xuất, chế biến cá tra cũng công nhận rằng thị trường nội địa chưa được sự quan tâm đúng mức. Ông Võ Văn Phong, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) cho hay, sản phẩm cá tra của Agifish chủ yếu xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 5-7%. Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cũng cho biết, hiện chỉ hơn 10% sản phẩm của công ty được tiêu thụ tại thị trường nội địa.

 Tuy nhiên, sau thời gian dài coi nhẹ thị trường nội địa thì giờ đây, các DN thủy sản đã “thức tỉnh”. Cùng với việc đẩy mạnh tìm thị trường xuất khẩu mới, việc “tìm đường bơi cho cá tra” ngay tại thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường các tỉnh phía Bắc được xem là giải pháp giúp DN giảm áp lực đối với xuất khẩu. Theo ông Trần Văn Hài, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Phát Tiến (Đồng Tháp): Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa là hướng đi mới cho các doanh nghiệp cá tra trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu ngày một khó khăn. Đối với DN thủy sản Phát Tiến, thời gian trước, DN cũng chủ yếu xuất khẩu cá phi lê sang thị trường EU. Thời gian tới, công ty sẽ nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước.

Công ty TNHH Hùng Cá cũng đặt mục tiêu sẽ nâng doanh số tại thị trường nội địa lên khoảng 20-30% trong thời gian tới. Nói về sự chuyển hướng này, ông Trần Văn Hùng cho hay: "Cá tra được nuôi trồng, chế biến với quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới. Vậy tại sao chúng ta không dùng những sản phẩm tốt đó phục vụ người tiêu dùng nội địa?". 

Hầu hết DN đều nhìn thấy rõ tiềm năng từ thị trường nội địa, song để thực sự thâm nhập, tận dụng, khai thác tốt thị trường nội địa cũng không phải chuyện có thể diễn ra “một sớm một chiều”. Theo ông Trần Văn Hài, muốn thị trường trong nước chấp nhận các sản phẩm cá đông lạnh thì cần có thời gian, kế hoạch, lộ trình quảng bá để người tiêu dùng hiểu và làm quen. 

Việc nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu cùng với quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa sẽ giúp cho cá tra cũng như sản phẩm thủy sản Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM