Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, UBND TP Đà Nẵng đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tinh thần đặc biệt coi trọng lợi ích người tiêu dùng.

Dự báo sức mua trong dịp Tết ở TP Đà Nẵng năm nay sẽ tăng từ 10% đến 15% so với năm trước. Để tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá trong dịp Tết, Sở Công Thương thành phố đã tiến hành thu thập thông tin, dự báo cung cầu hàng hóa để chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động điều hành sản xuất-kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường; dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn hàng cung ứng dồi dào, phong phú, giá cả ổn định đối với những mặt hàng thiết yếu theo chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn; tránh hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: baotintuc.vn 

Theo ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, khác với mọi năm, Sở Công Thương không sử dụng phương án cho doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa bình ổn giá được vay vốn 60 ngày với lãi suất 0% như trước đây mà thay thế bằng chương trình kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng trên địa bàn thành phố theo lãi suất ưu đãi. Với giải pháp này, chương trình bình ổn thị trường được triển khai, đồng thời cũng kết nối được ngân hàng với doanh nghiệp mà không cần sử dụng ngân sách hỗ trợ vay vốn.

Về mặt hàng gạo, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng đã dự trữ 1.000 tấn gạo, trị giá 12 tỷ đồng để điều phối thị trường khi cần thiết. Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng cũng chủ động dự trữ 400 tấn gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết. Đối với các mặt hàng thiết yếu khác như: Thịt, mì ăn liền, đồ hộp, gia vị, bánh kẹo,… 11 doanh nghiệp lớn trên địa bàn (như Công ty Thực phẩm Đắc Vinh, BigC, Co.opmart, Vincom, Metro, Vissan, Lotte,…) đã dự trữ với tổng vốn gần 192 tỷ đồng. Thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp tạm ứng 4 tỷ đồng để dự trữ 35 tấn thịt heo. Số thịt này được triển khai bán bình ổn giá tại 13 điểm tập trung tại các chợ gần khu dân cư, đồng thời tổ chức 2 xe lưu động phục vụ các “điểm nóng” theo điều động của UBND TP Đà Nẵng khi có yêu cầu. Thời gian thực hiện liên tục từ ngày 2 đến ngày 7-2 (tức ngày 24 đến 29 tháng Chạp). Giá bán thịt thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán từ 10 đến 15%, được niêm yết công khai hằng ngày tại các điểm bán.

Tại 8 chợ loại 1 trên địa bàn thành phố, các thương nhân cũng đầu tư gần 500 tỷ đồng chuẩn bị lượng hàng đa dạng, phong phú chủng loại. Khi nhu cầu tăng, doanh nghiệp sẽ chủ động điều động bổ sung và cam kết bảo đảm đủ nguồn hàng để phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố. UBND thành phố cũng hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, kinh phí phục vụ bán hàng và vận chuyển hàng hóa về nông thôn, miền núi cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá.

Trong dịp này, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã đề xuất chọn Công ty TNHH TMDV Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng là đơn vị tiến hành bán hàng phục vụ đồng bào miền núi tại hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú (huyện Hòa Vang) cùng công nhân tại các khu công nghiệp. Dự kiến, số lượng hàng hóa phục vụ đồng bào miền núi và công nhân tại các khu công nghiệp trị giá khoảng 845 triệu đồng. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, TP Đà Nẵng sẽ bảo đảm cân đối cung cầu thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, giảm tình trạng tăng giá, kiềm chế lạm phát, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

KHÁNH NGUYÊN