Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), quá trình đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công cho các dự án đều được thực hiện với quy trình chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát, do vậy, không có chuyện nhà thầu yếu kém vẫn được tham gia dự án.

Đánh giá chính xác, khách quan năng lực, kinh nghiệm

Cuối tháng 9-2020, 3 dự án thành phần chuyển đổi từ phương thức hợp tác công-tư (PPP) sang đầu tư công trên cao tốc Bắc-Nam gồm các đoạn: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây đã đồng loạt khởi công. Vấn đề được quan tâm hàng đầu tại các dự án này là bộ tiêu chí để lựa chọn nhà thầu. Yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả. Việc lựa chọn được các nhà thầu thực sự đáp ứng được năng lực, kinh nghiệm chính là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và tiến độ thi công. Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết, tổ chuyên gia đấu thầu của ban đã tiến hành đánh giá các hồ sơ dự thầu một cách chính xác, khách quan và tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu. Bên cạnh đó, ban cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh, tổ chức thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Nhà thầu dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 tập trung máy móc, thiết bị chuẩn bị thi công.

Là một trong những liên danh trúng gói thầu tại dự án thành phần đoạn Phan Thiết-Dầu Giây, đại diện liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex)-Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính cho biết, những đơn vị được lựa chọn đều phải chứng minh năng lực thực tế về tài chính, thi công, kinh nghiệm. Theo ông Dương Văn Mậu, Phó tổng giám đốc Vinaconex, trước khi tham gia đấu thầu, tổng công ty đã đàm phán, chọn liên danh với đơn vị có tên tuổi và thống nhất nếu trúng thầu phải làm thật với năng lực của mình. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của Vinaconex bảo đảm lành mạnh, đến ngày 30-9-2020 số dư tiền mặt tại báo cáo tài chính khoảng 2.500 tỷ đồng.

Liên quan đến việc chứng minh kinh nghiệm của Vinaconex thông qua dự án cao tốc Láng-Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long), ông Dương Văn Mậu cho biết, công trình này được tổ chức thông xe năm 2010 theo yêu cầu của TP Hà Nội. Tuy nhiên, đây là dự án có quy mô lớn, gồm nhiều hạng mục với tổng mức đầu tư khoảng 6.120 tỷ đồng. Thời điểm thông xe năm 2010, tổng giá trị sản lượng thực hiện của nhà thầu chỉ đạt khoảng 3.346 tỷ đồng. Sau khi thông xe, nhà thầu tiếp tục triển khai nhiều hạng mục còn lại, đến 30-6-2016 mới hoàn thành công tác thi công, đúng theo tiến độ yêu cầu của Bộ GTVT và hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết giữa nhà thầu, chủ đầu tư. Công trình này đã được các cơ quan chức năng xác định đáp ứng đủ điều kiện để đưa vào hồ sơ chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu.

Để tăng cường hơn nữa công tác giám sát trong quá trình đấu thầu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, bộ đã chủ động có văn bản gửi các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đề nghị tham gia phối hợp từ đầu nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng trong hoạt động xây dựng cơ bản.

Sát sao trong quá trình triển khai dự án

Sau khi lựa chọn được nhà thầu, quá trình triển khai dự án đòi hỏi những nỗ lực lớn của đơn vị thi công cũng như sự sát sao của cơ quan chức năng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), rút kinh nghiệm các dự án trước đây, Bộ GTVT quy định nhiều điều kiện trong hồ sơ mời thầu đối với các dự án thành phần được chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công. “Trong hồ sơ mời thầu có các điều kiện thưởng phạt giữa các bên. Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu xây dựng tiến độ thi công hằng tháng, quý, năm, bám sát kế hoạch đề ra và trên cơ sở đó kiểm soát tiến độ. Nếu nhà thầu vi phạm, không đáp ứng được kế hoạch thi công, lần thứ nhất sẽ phê bình, lần hai khiển trách, xem xét điều chuyển khối lượng và lần ba sẽ đánh giá lại năng lực nhà thầu cùng với điều chuyển khối lượng thi công cho nhà thầu khác”, ông Nguyễn Duy Lâm chia sẻ.

Để tránh hiện tượng nhà thầu chính “bán thầu”, chia nhỏ hạng mục công việc cho quá nhiều nhà thầu phụ, Bộ GTVT đã khống chế số lượng thầu chính, thầu phụ trong từng gói thầu. Đồng thời, phân rõ hạng mục thầu chính, thầu phụ được làm theo tỷ lệ nhất định nhằm chọn được nhà thầu thực sự có năng lực và chịu trách nhiệm về công việc được phân công.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, bộ đã phân công cụ thể đối với các đồng chí Thứ trưởng phụ trách phải có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo, điều hành trong quá trình triển khai dự án, bảo đảm an toàn, hiệu quả, đáp ứng chất lượng, tiến độ và giải ngân theo đúng kế hoạch, sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng. Ngoài ra, Giám đốc Ban QLDA phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT, lãnh đạo bộ về tiến độ, chất lượng của dự án. Các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT cũng được yêu cầu phải tăng cường nhân lực, chủ động giám sát, phối hợp, hỗ trợ các ban QLDA để giải quyết kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG