QĐND - Sáng 13-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các Tờ trình, Đề án của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về các nội dung: Phê chuẩn bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn các đơn vị trong bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Ủy ban Kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao; phê chuẩn danh sách Hội đồng Tuyển chọn kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thành lập và giải thể Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện Kiểm sát quân sự khu vực; phê chuẩn bộ máy làm việc của Viện Kiểm sát quân sự các cấp; quy định về kiểm tra viên Viện Kiểm sát nhân dân. Theo đề án, hệ thống Viện Kiểm sát quân sự gồm 3 cấp: Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện Kiểm sát quân sự khu vực. Thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp trong quân đội giai đoạn 1 (2011-2015), Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhất trí không tổ chức các Viện Kiểm sát quân sự tại 4 quân đoàn. Theo đó, 4 Viện Kiểm sát quân sự quân đoàn và 4 Viện Kiểm sát quân sự khu vực trực thuộc các Viện Kiểm sát quân sự quân đoàn sẽ được giải thể. Như vậy, hệ thống Viện Kiểm sát quân sự sẽ chỉ còn 40 cơ quan, gồm Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, 11 Viện Kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, 28 Viện Kiểm sát quân sự khu vực.
Trong bộ máy của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, theo đề án, sẽ có thêm 1 cơ quan cấp vụ mới là Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Theo giải thích của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 giao thêm một số nhiệm vụ mới cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó có nhiệm vụ điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. Nhiệm vụ này hiện được giao cho Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự trị an xã hội là không hợp lý, vì đối tượng đấu tranh của vụ này với loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp là khác nhau, không bảo đảm tính chuyên sâu, khách quan; áp lực thực tế công việc ngày càng nặng nề; quy mô tổ chức cấp phòng hiện tại không thể đáp ứng được nhiệm vụ tăng thêm.
Các đề xuất nêu trên nhận được sự đồng tình của đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại hội trường.
 |
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày tờ trình về dự án Luật khí tượng thủy văn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
* Chiều 13-5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi "Sau khi có luật, chất lượng dự báo khí tượng có tốt hơn không?" khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khí tượng thủy văn. Đó cũng là vấn đề Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đặt ra với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật này.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng khẳng định, nếu luật được thông qua thì sẽ huy động được nguồn lực rất lớn từ các doanh nghiệp, vì thông tin khí tượng, thủy văn là tài sản quý giá. Chỉ sau 5, 10 năm, kể từ khi luật được thông qua, công tác khí tượng, thủy văn của Việt Nam “sẽ có chuyển động rất tích cực”.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc nói, chất lượng của một công việc phụ thuộc vào hành lang pháp lý, con người và thiết bị. Khi Luật Khí tượng thủy văn được thông qua thì hành lang pháp lý sẽ rõ ràng, trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan sẽ rõ ràng hơn. Về yếu tố con người, khi nằm trong khuôn khổ pháp luật, trách nhiệm đã rõ ràng, con người sẽ ý thức nhiều hơn và trình độ sẽ tăng lên. Về trang thiết bị, mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn hiện đang rất thưa, cả nước chỉ có hơn 200 trạm. Sau khi xã hội hóa, mạng lưới quan trắc sẽ tăng lên và do vậy, chất lượng quan trắc sẽ tốt hơn.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu câu hỏi về trách nhiệm và việc ai phải chịu trách nhiệm khi đưa ra dự báo sai. Ví dụ về trường hợp dự báo bão sai, có thể bão không mạnh đúng như dự báo và không gây thiệt hại, nhưng người dân phải đi tránh bão và họ không còn tin vào dự báo nữa. Lần bão sau, họ không chịu đi tránh bão, thì ai phải chịu trách nhiệm? Từ đó, Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị phải quy định rõ cả vấn đề chịu trách nhiệm vào trong luật, không chỉ chung chung là chịu trách nhiệm làm việc này hay làm việc khác như trong dự thảo.
Đồng tình với ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa nhắc lại vụ dự báo sai khiến rất nhiều tàu thuyền trên biển tránh bão nhưng lại di chuyển đúng vào vùng tâm bão đi qua. Đó là do yếu tố con người chưa đáp ứng được tiêu chuẩn. Trong báo cáo của cơ quan soạn thảo cũng có đánh giá, trình độ cán bộ làm công tác khí tượng, thủy văn nhìn chung chưa đạt yêu cầu. Do vậy, Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa đề nghị phải có những quy định cụ thể trong dự thảo luật về vấn đề này, cụ thể hóa cả những chính sách với cán bộ quan trắc, đặc biệt là những cán bộ phải làm ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, để khuyến khích cán bộ giỏi.
* Cuối giờ chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các Tờ trình của Chính phủ về các đề án thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thành lập thị xã Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; thành lập mới huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước; thành lập thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị xã Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 14-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc và bế mạc Phiên họp thứ 38.
NGUYỄN CHIẾN THẮNG