QĐND - Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là hỗ trợ, chia sẻ với khách hàng trong trường hợp rủi ro, tổn thất. Đó là khẳng định của ông Lê Tuấn Dũng, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm VietinBank trong cuộc đối thoại với phóng viên với Báo Quân đội nhân dân.

Ông Lê Tuấn Dũng.

 

Nguyên tắc lấy số đông bù số ít

Phóng viên (PV):  Đa dạng hóa các lĩnh vực bảo hiểm được xác định là một trong những định hướng phát triển thị trường. Đối với Bảo hiểm VietinBank, những lĩnh vực trọng tâm trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Dũng: Tập trung vào các sản phẩm bán lẻ vẫn sẽ là hướng đi chủ đạo của Bảo hiểm VietinBank. Trong lĩnh vực này, chúng tôi có thế mạnh đối với các sản phẩm như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe… Đây là những sản phẩm có đối tượng khách hàng đông đảo. Định hướng này nghe có vẻ giống các công ty bảo hiểm khác nhưng chúng tôi có cách đi riêng, đặc biệt với vị trí là đơn vị thành viên của VietinBank, mạng lưới khách hàng của VietinBank sẽ là ưu thế của chúng tôi. Quý I-2015, doanh thu phí bảo hiểm của Bảo hiểm VietinBank tăng 141% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2015, chúng tôi đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm là 500 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với năm 2014.

PV: Hiện nay, tình trạng khách hàng cố tình trục lợi tiền bồi thường bảo hiểm không phải là hiếm. Làm thế nào để hạn chế trục lợi nhưng vẫn bảo đảm hỗ trợ đầy đủ cho người mua bảo hiểm khi không may gặp rủi ro, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Dũng: Muốn hạn chế trục lợi, trước hết, công tác cấp bảo hiểm đầu tiên đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ, có trường hợp xe bị tai nạn rồi người dân mới đi mua bảo hiểm, nên khi cấp bảo hiểm phải biết rõ hiện trạng của xe. Thứ hai là khâu quản lý trong quá trình giải quyết bồi thường. Khi có sự vụ xảy ra, việc kiểm soát được từ khâu hiện trường là khó nhất. Các công ty bảo hiểm hiện đều có phân cấp cho chi nhánh để giải quyết sự vụ cụ thể, tuy nhiên, có khi chính công ty không biết quá trình giải quyết của chi nhánh. Vì vậy, phải kiểm soát trong nội bộ của công ty nữa. Nếu công tác quản lý nội bộ tốt thì sẽ hạn chế được khoảng trống để có thể trục lợi.

Thực tế vẫn có người mang tư tưởng tôi đã bỏ tiền ra mua bảo hiểm nên phải tìm cách thu lại số tiền đó. Nguyên lý của bảo hiểm là lấy số đông bù số ít, lấy tiền phí bảo hiểm của rất nhiều người để bù đắp cho một số ít người không may gặp thiệt hại lớn. Như khi mua bảo hiểm xe cơ giới với mức khoảng 10 triệu đồng/năm, khách hàng không nên kỳ vọng lấy 5 triệu hay 10 triệu đồng để sửa chữa lặt vặt. Công ty bảo hiểm sẽ thu của nhiều người với mức 10 triệu đồng đó để bù đắp cho một số ít trường hợp tổn thất lên đến hàng tỷ đồng, ví dụ không may gặp tai nạn nghiêm trọng. Mong rằng người dân khi đi mua bảo hiểm cần có sự nhìn nhận chính xác hơn, bảo hiểm là cách phòng ngừa nếu không may gặp rủi ro, tổn thất lớn.

Sẵn sàng sát cánh với ngư dân

PV: Không ít đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàng hải hiện gặp khó khăn khi muốn mua bảo hiểm cho tàu thuyền của họ. Là người nhiều năm công tác trong ngành bảo hiểm, ông có thể chia sẻ một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn này cho các chủ tàu?

Ông Lê Tuấn Dũng: Đối với bảo hiểm tàu thuyền, cả thị trường vẫn đang lỗ triền miên, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị bảo hiểm rút ra khỏi lĩnh vực này. Để các chủ tàu dễ dàng mua bảo hiểm hơn thì phí bảo hiểm phải tương ứng, có như vậy công ty bảo hiểm mới đủ bù đắp tổn thất. Theo tôi, có hai cách để thực hiện được điều này, thứ nhất là tăng phí, thứ hai là kiểm soát rủi ro tốt hơn. Trong điều kiện các chủ tàu đang gặp nhiều khó khăn, không dễ để tăng phí. Vì vậy, giải pháp thiết thực hơn là bản thân chủ tàu phải tăng cường các điều kiện an toàn đi biển cho phương tiện của mình. Đa số tổn thất xảy ra do tàu không bảo đảm khả năng đi biển như không đủ thiết bị an toàn, thiếu nhân lực hoặc nhân lực thiếu chuyên môn…

PV: Với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 67/NĐ-CP, nhiều ngư dân đang tích cực hiện đại hóa tàu đánh bắt của mình. Việc bảo hiểm phương tiện đánh bắt cho ngư dân liệu có gặp khó khăn, trở ngại gì không, thưa ông?

Ông Lê Tuấn Dũng: Trước đây, tàu của ngư dân đa số là tàu nhỏ, vỏ gỗ nên doanh nghiệp bảo hiểm thường rất ngại những con tàu này vì rủi ro cao. Hơn nữa, tình trạng trục lợi diễn ra thường xuyên, phí bảo hiểm lại nợ vòng quanh. Với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang được triển khai, nhiều tàu đóng mới có công suất lớn, vỏ thép, an toàn hơn, mức độ rủi ro nhờ đó cũng giảm thiểu. Đối với phí bảo hiểm, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ cho ngư dân. Bên cạnh đó, khi con tàu là công cụ có thể nuôi sống ngư dân thì nguy cơ trục lợi cũng có thể giảm đi.

VietinBank là một trong những đơn vị tài trợ tín dụng cho chương trình phát triển thủy sản, trong đó có vay vốn đóng mới, sửa chữa tàu. Bản thân chúng tôi là một đơn vị thành viên của VietinBank sẽ sẵn sàng tham gia bảo hiểm phương tiện cho ngư dân. Mặc dù vậy, hiện nay, Bộ Tài chính đang lựa chọn 4 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai chính sách này đó là: Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm Petrolimex và Bảo hiểm PVI, điều đó cũng giới hạn cơ hội cho các đơn vị khác. Tôi nghĩ rằng nên tạo điều kiện để mở rộng cho nhiều đơn vị cùng tham gia. Điều này vừa giúp ngư dân có thêm lựa chọn vừa tạo sự công bằng, cơ hội kinh doanh ngang nhau cho doanh nghiệp. Về lâu dài sẽ giúp ngư dân tạo thói quen mua bảo hiểm, hình thành ý thức bảo đảm an toàn cho tài sản của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!

MẠNH HƯNG (thực hiện)