Chi phí dịch vụ logistics cao là một trong những lý do khiến hàng hóa Việt Nam gia tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh. Cắt giảm chi phí logistics không còn là vấn đề của riêng DN tham gia kinh doanh dịch vụ này mà là nhiệm vụ chung của nền kinh tế, đòi hỏi sự tiếp sức rất lớn từ cơ chế chính sách và sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương.
Chi phí logistics chiếm gần 21% GDP
Nông sản là một trong những sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tuy nhiên, theo thống kê, chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông sản chiếm đến 20%-25%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Theo ông Võ Quan Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Huy Long An: Năm 2019, công ty xuất khẩu khoảng 14.000 tấn chuối đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc; trong đó, chi phí logistics chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, chi phí logistics tăng tới 45%; trong đó cước tàu biển tăng tới 40% do những tác động của dịch Covid-19.
Ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động, như: Kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng... Tại Việt Nam, chi phí logistics đang thuộc hàng đắt đỏ trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu uy tín Armstrong & Associates (Hoa Kỳ), chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
 |
Hoạt động xuất nhập khẩu tại Cảng Nam Đình Vũ, Hải Phòng. |
Theo các chuyên gia, yếu tố cơ bản làm tăng chi phí logistics là do chi phí vận chuyển cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Phân tích kỹ điều này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết: Với khoảng 80% lưu lượng hàng hóa của DN được vận chuyển bằng đường bộ, nhu cầu về những tuyến đường cao tốc hoàn thiện là rất cần thiết. Tuy nhiên, tổng chiều dài đường cao tốc đang vận hành lại chưa đến 2.000km/tổng số hơn 630.000km đường bộ của Việt Nam. Trong khi đó, hệ thống đường sắt trong nước khá lạc hậu và thiếu kết nối với các cảng hàng hóa. Hệ thống đường thủy nội địa chưa được chú trọng khai thác hiệu quả. Các hạ tầng kết nối đường bộ với cảng biển như cảng container nội địa (ICD), hay các trung tâm logistics đa phương tiện vẫn còn thiếu vắng.
Ngoài yếu tố về hạ tầng, theo ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam, nguyên nhân dẫn tới chi phí logistics ở Việt Nam còn cao là do trong thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, việc kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều, gây tốn kém về thời gian và làm tăng chi phí logistics; năng lực cạnh tranh của DN cung cấp dịch vụ logistics chưa cao. DN đa phần là nhỏ và vừa, sự liên kết hạn chế và chưa chặt chẽ, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao, nhân lực có trình độ thiếu hụt trầm trọng.
Đứng từ góc độ DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, ông Lê Mạnh Cương, Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics và Khai thác cảng Lokaport cho biết, chi phí logistics bị đẩy lên là do chi phí kho bãi cao, việc quy hoạch các trung tâm logistics còn thiếu hoặc chưa hợp lý. Đặc biệt, các loại phụ phí không chính thức ở mức cao, trở thành gánh nặng cho DN.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và cải cách thủ tục
Thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng hơn 30.000 DN; trong đó, chủ yếu là DN vận tải đường sắt, đường bộ và đường sông (59,02%). Tiếp đó là DN kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%), DN vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và DN bưu chính chuyển phát (2,34%). Cơ hội của ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam rất lớn, khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; cùng với đó, người tiêu dùng đang ngày càng bắt nhịp với sự bùng nổ của thương mại điện tử.... Để DN logistics đón đầu cơ hội này cũng như giúp nền kinh tế nâng cao sức cạnh tranh, yếu tố tiên quyết là phải đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng logistics. Và, theo các chuyên gia kinh tế, điều này phụ thuộc rất lớn vào cơ chế chính sách, nguồn lực ưu tiên, quy hoạch của Nhà nước dành cho ngành dịch vụ logistics.
 |
Hoạt động phân phối hàng hóa của Lazada Việt Nam tại quận Long Biên, TP Hà Nội. |
Nêu rõ về ý kiến này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, để phát triển hiệu quả ngành logistics và có chính sách phát triển phù hợp, cần tăng cường hơn nữa nhận thức về logistics. Chỉ khi nhận thức đầy đủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành mới có thể quản lý, kết nối hiệu quả trong nền kinh tế quốc dân. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về logistics và chi phí logistics. Đặc biệt, đối với đầu tư phát triển hạ tầng, cần có chính sách khuyến khích việc xã hội hóa; trước mắt phải ưu tiên bố trí nguồn ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư cho các hạng mục công trình trọng điểm ở khu vực có lợi thế để phát triển ngành logistics.
Nhấn mạnh tới việc phát triển đồng bộ hạ tầng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Trung cho rằng, trong thời gian tới, điều cần sớm khắc phục là sự phối hợp của các ngành vận tải khác như đường bộ, đường sắt... để cải thiện khả năng kết nối của cảng biển với những phương thức vận tải này nhằm tận dụng năng lực vận chuyển hàng hóa vẫn còn dư thừa, giúp đẩy nhanh việc giải tỏa hàng hóa, nâng cao năng lực tiếp nhận và thông quan hàng hóa, giảm chi phí vận tải. Ngoài sự nỗ lực tự thân, các DN logistics cũng cần những chính sách ưu đãi để giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đại diện một số DN cũng chỉ ra, tuy gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính đang từng bước được gỡ bỏ nhưng dư địa để cải thiện vẫn còn rất nhiều. Vì vậy, cần cải cách để đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho DN, thông qua việc cắt giảm hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Đối với các địa phương, cần có quy hoạch và sử dụng quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cần cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics.
Nhấn mạnh cần gia tăng sự liên kết giữa các DN logistics trong nước và nước ngoài để cùng phát triển, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, DN logistics trong nước am hiểu thị trường và thị hiếu của khách hàng, nhưng chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, với năng lực không đồng đều và đi sau các DN FDI về trình độ công nghệ. “Chính vì thế, việc tăng cường kết nối và xây dựng mạng lưới hợp tác với DN FDI là cần thiết, thông qua học hỏi các công nghệ mới cũng như thúc đẩy việc hình thành các dịch vụ môi giới, trung gian trong ngành logistics”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Còn theo ông Đào Trọng Khoa, đã đến lúc ngành logistics Việt Nam không thể chần chừ việc ứng dụng công nghệ được nữa. Ứng dụng công nghệ tại DN logistics cần được xem như một khoản đầu tư, không phải là chi phí. Cùng với đó, để đáp ứng kịp tốc độ phát triển của ngành logistics, cần quan tâm phát triển nhân lực cho ngành. Cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường, các tổ chức, đẩy mạnh công tác đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Bài và ảnh: VŨ DUNG