Nhân lực, máy móc, phương tiện, thiết bị được huy động tăng cường, không khí lao động trên công trường luôn khẩn trương, nhộn nhịp với mục tiêu sớm đưa dự án hoàn thành, bảo đảm yêu cầu cao nhất về chất lượng.
Quyết liệt thúc đẩy tiến độ
Là công trình cầu dài nhất trên dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, cầu Núi Đọ bắc qua sông Chu thuộc huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) dài 1,9km đang được gấp rút triển khai. Khởi công vào tháng 1-2021, đến nay, cầu Núi Đọ đã thi công đạt khoảng 50% khối lượng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. "Trên công trường hiện có khoảng 200 công nhân, thi công 3 ca liên tục cả ngày và đêm. Khó khăn nhất với công trình này là các trụ ở giữa sông, do lòng sông rộng, tiếp cận công trường vất vả, chưa kể còn phải vận chuyển vật liệu, máy móc, thiết bị", ông Thân Văn Sâm, Giám sát an toàn của nhà thầu Trung Nam E&C, đơn vị thi công cầu Núi Đọ, chia sẻ.
 |
Thi công cầu Núi Đọ thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45. |
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, dự án có 5 gói thầu, đang triển khai 68 mũi thi công, tổng sản lượng hiện đạt khoảng 45%, cơ bản đáp ứng kế hoạch. Trên tuyến có 2 hầm xuyên núi là hầm Tam Điệp và hầm Thung Thi hiện đang vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng. Nhiều đoạn đang triển khai thi công móng, cấp phối đá dăm, hướng đến thảm bê tông nhựa vào khoảng tháng 3-2022. Đảm nhiệm khối lượng khá lớn của đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) và liên danh nhà thầu thi công khoảng 10km trên tổng chiều dài hơn 63km tại dự án. Trung tá Trần Hữu Hoàn, Giám đốc điều hành gói thầu XL13 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, nhà thầu đang tăng cường nhân lực, phương tiện, máy móc với mục tiêu hoàn thành đắp nền trước Tết Nguyên đán 2022. Những khó khăn về cung cấp vật liệu đang được đơn vị nỗ lực khắc phục, tiến độ dự án luôn được kiểm soát chặt chẽ.
Nối tiếp đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 là dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn với chiều dài hơn 40km. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc quản lý dự án Quốc lộ 45-Nghi Sơn (Ban Quản lý dự án 2), đoạn tuyến được chia làm 3 gói thầu, trong đó, gói thầu sớm nhất khởi công đầu tháng 7-2021, các gói thầu tiếp theo khởi công lần lượt vào tháng 8 và tháng 9-2021. Mặc dù triển khai vào giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến công trường cũng như tác động của thời tiết mưa nhiều nhưng đến nay, sau vài tháng thi công, chủ đầu tư và các nhà thầu đều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ. Đơn cử như hạng mục cầu Yên Mỹ, đơn vị thi công là Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) phấn đấu rút ngắn hai tháng, dự kiến có thể hoàn thành vào tháng 3-2023 thay vì tháng 5-2023 như kế hoạch ban đầu, đóng góp vào mục tiêu chung của dự án.
Đặt chất lượng công trình lên hàng đầu
Cùng với việc bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Đặc thù của dự án đường cao tốc là đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, trong khi phạm vi tuyến đường trải dài qua nhiều địa hình với điều kiện địa chất khác nhau. Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) đánh giá, công tác xử lý nền đất yếu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bảo đảm chất lượng dự án, đây là công việc mất nhiều thời gian, công sức, phải chờ cho nền đất đủ độ cố kết, tránh hiện tượng sụt lún, có thể dẫn đến hư hỏng khi đưa vào vận hành, khai thác. Đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 có hơn 22km phải xử lý nền đất yếu trên tổng chiều dài hơn 63km. Quá trình thi công phải thường xuyên đo đạc, quan trắc lún, khi các thông số bảo đảm theo yêu cầu mới tiến hành thi công. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát vật liệu đầu vào cũng luôn được tăng cường, vật liệu không đạt chất lượng sẽ không được đưa vào công trường.
Đối với công tác xử lý nền đất yếu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất, vì vậy, cần xác định toàn bộ phạm vi nền đất yếu của toàn tuyến, từ đó nghiên cứu giải pháp gia cố một cách đồng bộ, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị địa phương bàn giao mặt bằng trước với những đoạn phải xử lý nền đất yếu để bảo đảm thời gian gia cố. Đồng thời, cần đa dạng hóa nguồn cung vật liệu để lựa chọn được vật liệu tốt nhất, đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật.
Việc cung cấp đủ vật liệu cho các dự án đường cao tốc trên tuyến Bắc-Nam từng là nút thắt, nguy cơ ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành dự án. Đến nay, với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nguồn cung vật liệu đang từng bước được giải quyết. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thường xuyên kiểm tra tại công trường các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam, cùng với việc thúc đẩy tiến độ, nhất là với các gói thầu bị chậm so với kế hoạch, công tác giám sát, kiểm soát thi công luôn được chú trọng, bảo đảm dự án hoàn thành đúng cam kết cả về thời gian và chất lượng.
Bài và ảnh: MẠNH HƯNG