Vì vậy, phát triển hệ sinh thái số Việt Nam là hướng đi cần thiết, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp (DN) nội dung số Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong nắm bắt công nghệ, làm chủ thị trường.
Chịu sự cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp nước ngoài
Hệ sinh thái số (STS) trên thế giới cũng như Việt Nam bao gồm nhiều sản phẩm và thay đổi liên tục. Theo ông Lê Duy Tiến, thành viên Tổ công tác thúc đẩy hệ STS thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại Việt Nam: Bộ TT&TT xác định 5 nhóm sản phẩm chính để thúc đẩy trong thời gian tới là: Mạng xã hội (MXH) Việt Nam, công cụ tìm kiếm Việt Nam, trình duyệt Việt Nam, phần mềm chống vi rút và hệ điều hành. 5 sản phẩm này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bởi hệ điều hành được cài đặt trong ứng dụng, phần mềm diệt vi rút bảo vệ cho hệ điều hành và ứng dụng khác khỏi nguy cơ tấn công, phần công cụ tìm kiếm thúc đẩy việc hiện diện MXH Việt Nam.
 |
Học sinh Trường THPT Số 2 Bảo Thắng (xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) làm bài kiểm tra trên ứng dụng Viettel Study do Viettel cung cấp. Ảnh: LA DUY |
Thị trường Việt Nam hiện được các nhà đầu tư thế giới đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong nền kinh tế số từ nay đến năm 2020. Do vậy, nước ta trở thành điểm đến thu hút nhiều DN công nghệ nước ngoài. Để phát triển hệ STS Việt Nam bền vững, các DN trong nước phải giữ vai trò nòng cốt. Tuy nhiên, nhóm này đang chịu sự cạnh tranh rất lớn với DN nước ngoài. Thực tế, số lượng DN công nghệ nước ngoài tại Việt Nam khá nhiều, cùng với đó là cơ chế, chính sách cho khối này thông thoáng hơn so với DN trong nước. Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp, Việt Nam, đã có một vài công ty khá mạnh hoạt động trong lĩnh vực số, như: Công ty Cổ phần VNG, Công ty Cổ phần VCCorp… nhưng cũng rất nhiều công ty nhỏ đang phải chạy đua với các DN khổng lồ của nước ngoài. Trong khi đó, mảng thương mại điện tử thì đa phần các công ty đều là DN nước ngoài do lượng vốn cần đầu tư quá lớn. Về phương diện quản lý, các DN Việt Nam cũng chịu nhiều quy định chặt chẽ, cứng nhắc gây khó khăn cho sự phát triển. Cụ thể như, lĩnh vực nội dung số được quản lý theo hình thức cấp giấy phép; trong khi để cạnh tranh thì lĩnh vực này đòi hỏi phải thay đổi và sáng tạo liên tục. Nếu mất quá nhiều thời gian chờ đợi cơ chế, doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội dẫn đến thiệt hại về kinh tế.
Chính sách cần theo kịp công nghệ
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, các DN Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực nội dung, dịch vụ số hiện nay đủ năng lực và khát khao làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường trong nước, thậm chí là mang sản phẩm tiến ra khu vực nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách, cũng như việc ủng hộ của người dùng.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech, kiến nghị, các cơ chế, chính sách quản lý DN công nghệ kinh doanh nội dung, dịch vụ số cần sớm được điều chỉnh, tạo sân chơi công bằng giữa DN trong nước và nước ngoài; tránh tình trạng bảo hộ ngược cho DN nước ngoài. Cùng với đó là “cởi trói” cho DN khỏi những quy định không cần thiết và nhanh chóng đưa ra hành lang pháp lý cho những lĩnh vực mới, như: Fintech (công nghệ tài chính), trung gian thanh toán, chia sẻ xe… Những lĩnh vực nêu trên vẫn đang trong giai đoạn thí điểm, nhưng sau khi thí điểm sẽ quản lý như thế nào, hàng lang pháp lý ra sao thì vẫn chưa có.
Không thể phủ nhận rằng, DN nước ngoài kinh doanh trên lĩnh vực nội dung và dịch vụ số đều rất mạnh. Do đó, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng cần sự bắt tay giữa các DN trong nước với nhau. Các DN lớn cần dẫn dắt thị trường, tạo nền tảng cho các DN nhỏ, DN khởi nghiệp sáng tạo tham gia, cùng phát triển. Ông Nguyễn Thế Tân cũng gợi ý, trong bối cảnh các công ty nội yếu thế, muốn thành công, DN Việt Nam cần có sự ủng hộ của người dùng trong nước.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, hai yếu tố đóng vai trò chính cho sự thay đổi các nội dung, dịch vụ số thời gian sắp tới là AI (trí tuệ nhân tạo) và Privacy (bảo mật). AI là công nghệ mà buộc các DN phải ứng dụng để tăng tính cạnh tranh, thay đổi sản phẩm nhanh hơn để thu hút khách hàng. Bảo mật lại liên quan đến chính sách, con người và xã hội. Các DN trong nước muốn chiếm lĩnh thị trường nội địa và xa hơn nữa là vươn ra khu vực thì không thể không quan tâm đến hai yếu tố này.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước và người tiêu dùng, nội lực của DN là rất quan trọng. Các DN Việt cần tự tin và khẳng định chỗ đứng trên thị trường bằng chính sản phẩm của mình. Nếu sản phẩm không đủ tốt thì sự hỗ trợ bằng các biện pháp quản lý của Nhà nước và sự ủng hộ của người tiêu dùng cũng là vô nghĩa.
Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho DN nội và ngoại. Cùng với đó, bộ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dùng trong nước về sản phẩm công nghệ Việt Nam không thua kém các sản phẩm nước ngoài. Bởi khi DN Việt Nam lớn mạnh thì DN nước ngoài cũng phải đầu tư nâng cao hơn nữa dịch vụ để cạnh tranh. Như vậy, người dùng sẽ được hưởng lợi.
TRÀ MY