QĐND Online - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) đã phát biểu như vậy sáng 30-10 tại hội trường Quốc hội. Theo đại biểu, cần quan tâm đến việc quản lý ODA, bởi nguồn vốn này chủ yếu là cho vay có điều kiện, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội. Đại biểu cho biết, mặc dù đã có Nghị định 38 của Chính phủ về Quản lý và sử dụng Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở.

Một phần dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, một trong những dự án sử dụng vốn ngân sách và vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA). Ảnh: VnExpress.

Thời gian qua, những vụ việc tiêu cực từ việc sử dụng nguồn vốn này đã ảnh hưởng đến đất nước. “Nhiều vi phạm lớn chỉ được phát hiện từ phía nước ngoài. Mặc dù sau đó các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt, nhưng tôi thấy hành lang pháp lý vẫn còn kẽ hở, khiến loại tội phạm này có thể tiếp tục xuất hiện", đại biểu nói.

Bà cũng cho rằng, hiện đang có xu hướng thích dùng ODA gắn với lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, rồi tình trạng xin cho, chạy dự án, tham nhũng, phân bổ ODA dàn trải; tạo tâm lý trông chờ ỷ lại vào ODA… Những việc này khiến các công trình dùng vốn ODA xuất hiện rất nhiều nhưng lại không hiệu quả; nhiều trường hợp suất đầu tư bị đội lên cao.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý về ODA; ban hành Luật quản lý sử dụng ODA; quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA; quy định trách nhiệm của Quốc hội, quyền của người dân, các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội… trong giám sát vốn ODA; sử dụng vốn ODA có chọn lựa, hạn chế, hướng tới khu vực tư nhân, không vay để theo đuổi những siêu dự án…Qua đó góp phần sử dụng nguồn vốn này một cách công khai, minh bạch và hiệu quả.

“Tôi đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát ODA, phân tích mặt lợi, bất lợi của việc sử dụng nguồn vốn này, tiến tới giảm dần và ngừng sử dụng ODA. Bất cứ quốc gia nào sử dụng lâu dài nguồn vốn ODA đều là bất lợi", đại biểu Nga nói.

PHÚC THẮNG