QĐND Online - Ngày 13-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội thảo: “Lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh”.
Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) khi giới thiệu về Dự thảo Nghị định, cho biết, Nghị định chỉ làm rõ 4 vấn đề trong Luật Doanh nghiệp, thay vì toàn bộ Luật như trước đây. Các vấn đề trong 4 điều 10, 44, 189, 208 về doanh nghiệp xã hội, con dấu, sở hữu chéo và quản lý Nhà nước.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Vấn đề sở hữu chéo được nhiều đại biểu đề cập. Ông Vũ Phương Đông, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Điều 3 của Dự thảo đã cụ thể một số nội dung về hạn chế sở hữu chéo giữa các công ty được quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số nội dung được quy định tại Điều 3 chưa rõ ràng. Cụ thể, Khoản 1 Điều 3 quy định: “Công ty con theo quy định tại khoản 2 Điều 189 Luật Doanh nghiệp là công ty đối với công ty mẹ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp.” Khoản 3 Điều 3 quy định về khái niệm sở hữu chéo: “Sở hữu chéo là việc đồng thời hai hoặc nhiều doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau.”. Quy định như vậy là chưa rõ ràng, chung chung. Ông Đông kiến nghị, dự thảo cần quy định cụ thể sở hữu chéo trực tiếp của hai doanh nghiệp, sở hữu chéo gián tiếp của nhiều doanh nghiệp. Sở hữu chéo trực tiếp là hình thức công ty A sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty B và ngược lại. Sở hữu chéo gián tiếp của nhiều doanh nghiệp là hình thức công ty A sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty B, công ty B sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty C, công ty C lại sở hữu cổ phần, phần vốn góp của công ty A.
Luật sư Bùi Thanh Lam, Đoàn Luật sư Hà Nội chỉ ra, tại Khoản 2, Điều 189 Luật Doanh nghiệp quy định công ty con “không” được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ, các công ty con của cùng một công ty mẹ “không” được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau. Tuy nhiên, tại điểm c, khoản 1, Điều 212 lại cho phép các công ty (không có vốn nhà nước) đã thực hiện thì được phép duy trì sở hữu chéo đã thực hiện trước ngày 1-7-2015 nhưng không làm tăng tỷ lệ sở hữu chéo. “Không” tăng tỷ lệ sở hữu chéo ở đây là về tỷ lệ số lượng giao dịch hay tăng về tỷ lệ giá trị tiền/vốn của các giao dịch góp vốn, mua cổ phần đã thực hiện? nếu cấm tăng về giá trị tiền của các giao dịch là không khả thi vì nó biến thiên theo giá cả thị trường.
Góp ý về nội dung con dấu, Luật sư Trần Đăng, Trưởng phòng Thủ tục pháp lý, Tập đoàn Vingroup đề nghị bỏ “Đại hội đồng cổ đông”, thay bằng “Hội đồng quản trị” quyết định về con dấu. Vì theo Điều 135 Luật Doanh nghiệp, đại hội đồng cổ đông không có thẩm quyền về việc quyết định con dấu. Theo Điều 149, hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty có toàn quyền quyết định các vấn đề không thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông. Tinh thần của Luật Doanh nghiệp là tạo thuận lợi thủ tục cho doanh nghiệp. Về thực tế, việc thay đổi con dấu là công việc mang tính sự vụ, để hội đồng quản trị quyết định về con dấu mới tạo được sự chủ động, linh hoạt, đặc biệt đối với các công ti cổ phần niêm yết, đại chúng có quy mô lớn hàng chục nghìn cổ đông mà mỗi lần làm con dấu, thay đổi con dấu phải họp đại hội đồng cổ đông thì sẽ rất phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp.
Về nội dung doanh nghiệp xã hội và quản lý Nhà nước, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn để thực hiện vừa chặt chẽ lại bảo đảm không kìm hãm, tạo rào cản cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển.
XUÂN DŨNG