QĐND - 16 tấn hành tím vừa từ Sóc Trăng ra đến Hà Nội vài tiếng đã được mua hết veo. Đây là một trong rất nhiều phong trào tiếp sức bà con nông dân do các cơ quan, đoàn thể tổ chức gần đây. Điều đó cho thấy, không chỉ trông chờ vào thị trường xuất khẩu, sức tiêu thụ mặt hàng nông sản ở thị trường trong nước cũng còn rất lớn và đầy tiềm năng. Vấn đề là cần có cách thức tổ chức sản xuất, liên thông hợp lý giữa nhà nông và người tiêu thụ hàng hóa…

Thêm một chuyến hàng nặng nghĩa tình

Vượt qua gần 2000km, 16 tấn hành tím của bà con nông dân Sóc Trăng được “tập kết” ở trụ sở Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội khi trời còn nhập nhoạng. Nhưng chỉ vài tiếng sau đó, 16 tấn hành tím đã được mua hết veo. Chương trình giúp nông dân tiêu thụ hành tím do Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thông tấn xã Việt Nam tổ chức thành công ngoài mong đợi. "Không chỉ riêng cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam mà nhiều người dân đi ngang qua gặp chương trình cũng rẽ vào mua ủng hộ bà con nông dân"-một trong những thành viên tổ chức chương trình vui vẻ cho biết.

Trước đó, thông tin dưa hấu của bà con nông dân miền Trung, hành tây của bà con nông dân Đà Lạt, hành tím của bà con nông dân Sóc Trăng bị ùn ứ, tư thương lợi dụng ép giá liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ một phong trào đơn lẻ “Mỗi trái dưa, một tấm lòng" giúp nông dân miền Trung, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tinh thần trách nhiệm lan tỏa mạnh mẽ, khắp nơi trên cả nước đều xuất hiện những phong trào như vậy. Gánh nặng trên vai bà con nông dân đã vơi đi rất nhiều, dẫu rằng tình trạng ùn ứ hàng hóa chưa phải đã được giải quyết triệt để.

Nông dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch hành tím.

Những chương trình như vậy là rất cần thiết để khích lệ tinh thần của bà con nông dân, khích lệ tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng cũng như gìn giữ và phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc. Tuy nhiên, đó không phải là phương pháp đủ mạnh để “khơi thông” dòng chảy thị trường cho người nông dân và nền nông nghiệp nước nhà.

“Bám” cả “sân nhà” và “sân khách”

Dẫu không phải là phương pháp đủ mạnh để “khơi thông” dòng chảy thị trường cho nông sản Việt Nam, nhưng rõ ràng, những phong trào “tiếp sức” nông dân vừa qua cho thấy sức mua và tiềm năng của thị trường nội địa không hề nhỏ. Ai cũng biết, mô hình sản xuất “tự sản, tự tiêu” không phải là mô hình sản xuất hay, bởi không có sự trao đổi hàng hóa là không có sự bổ sung thế mạnh giữa các nền sản xuất, sự phát triển vì thế sẽ kém hơn. Nhưng, nếu chỉ chú trọng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mà ít quan tâm tới việc gìn giữ thị trường nội địa, thì bao nhiêu ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu nông sản sẽ lại “chảy ngược” ra nước ngoài để nhập nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Như vậy, công xuất khẩu sẽ thành công cốc.

Do vậy, ý kiến của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đều cho rằng, cần thiết phải gìn giữ và phát triển ở cả hai mảng thị trường này.

Trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2015 mới đây, Chính phủ cũng dành thời lượng đáng kể để bàn về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho thị trường nông sản. Sau đó, bằng nghị quyết, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy đàm phán với các đối tác tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản. Cùng với đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối, lưu thông, bảo đảm tốt cung-cầu, nhất là các mặt hàng nông sản; kích thích tiêu dùng nội địa, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ giao nhiệm vụ tích cực đàm phán hợp tác với các nước xuất khẩu cà phê, cao su, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, thúc đẩy sản xuất trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu…

Trong phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp yêu cầu triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân; xử lý, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản. “Trước mắt, phải tập trung vào các giải pháp về thị trường và tiêu thụ. Về lâu dài, phải tính toán chuyển đổi cơ cấu sản xuất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nông dân tiếp cận thị trường bằng cách nào?

Giữ thị trường nội địa, phát triển và giữ thị trường xuất khẩu cho mặt hàng nông sản là chủ trương đúng. Nhưng người nông dân vốn chỉ quen việc nhà nông, rất ít nông dân am tường bài toán và cách giải một bài toán của thị trường, hay làm thế nào để tiếp cận với các chuỗi cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng một cách chuyên nghiệp. Điều đó đòi hỏi phải có sự chuyên môn hóa cao, tức là phải có những “chuyên gia” giúp nông dân tìm kiếm, phát triển thị trường.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh điều này. Theo đó, tự thân mỗi nông dân đơn lẻ sẽ rất khó tìm kiếm và giữ vững được thị trường của riêng mình. Để làm được điều đó, nông dân cần tập hợp nhau lại thành những hợp tác xã kiểu mới để sản xuất lớn, trong đó có những người chuyên làm nhiệm vụ tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản.

Ngày hôm qua (5-5), trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho hay, tại thời điểm này, ông vẫn đang ở Hà Tĩnh để cùng Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh và các doanh nghiệp trên địa bàn bàn cách phát triển sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản. “Tôi thấy dễ thôi, vì doanh nghiệp có sẵn rồi, các nhà khoa học cũng luôn sẵn sàng. Vấn đề là nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp phải liên kết lại với nhau thì mới phát triển được”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói. Ông cho biết, ở một tỉnh miền Trung, nhờ sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo tỉnh nên đã phát triển được vùng trồng chanh leo xuất khẩu ổn định, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho nông dân. Cùng với đó, ông lấy ví dụ về “phong trào” trồng cây bơ ở Tây Nguyên hiện nay. Ông cho rằng, nếu không tổ chức tốt, không có cơ sở chế biến đạt yêu cầu để chế biến bơ xuất khẩu, không ai có thể chắc chắn rằng, sau vài năm nữa, quả bơ vẫn có giá bán tốt như hiện tại. “Vấn đề của chúng ta hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phải sản xuất theo chuỗi, chứ không thể cứ manh mún, tạm thời như hiện nay. Muốn vậy, nông dân, nhà khoa học, nhà tổ chức phải ngồi lại với nhau để bàn bạc xem trồng cây gì, bán cho ai thì mang lại hiệu quả cao nhất”, ông nói.

Các vấn đề về nông nghiệp, thị trường cho nông sản đã được nhắc tới quá nhiều lần và đã có quá nhiều giải pháp được đưa ra. Nhưng điều mà bà con nông dân trông chờ là thực hiện, là đưa những giải pháp ấy vào thực tiễn thì dường như lại quá chậm chạp. Bởi thế, điệp khúc “được mùa, mất giá”, “mất mùa, được giá” cứ liên tục diễn ra ở hết “cây” này đến “con” kia, hay bà con nông dân cứ ùn ùn cùng nhau phá bỏ cây này để trồng cây khác, rồi lại ùn ùn phá bỏ để trồng cây khác nữa…

CHIẾN THẮNG