Tuy nhiên, hiện nay phần lớn doanh nghiệp nước ta còn chưa có chiến lược để nắm bắt thời cơ. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ sự nhập cuộc quyết liệt của doanh nghiệp Việt Nam vào cuộc CMCN 4.0 toàn cầu.
 |
Cán bộ nghiên cứu của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel). Ảnh: TRẦN THỌ. |
82% doanh nghiệp Việt Nam còn đứng ngoài cuộc hoặc đang chuẩn bị
Theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương, có tới 61% doanh nghiệp Việt Nam hiện còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị đầu tiên. Điểm trung bình toàn ngành công thương là 0,53 điểm (so với mức 5 điểm), tương đương với mức sẵn sàng đầu tiên hay là chưa có sự chuẩn bị nào. 5 ngành có số điểm đánh giá tính sẵn sàng cao nhất là: Dầu khí, sản phẩm điện tử, sản xuất xe có động cơ, điện-khí đốt-nước và hóa chất. Đáng lưu ý, 3 ngành chủ lực của ngành công thương là: Cơ khí, dệt, may và da giày là những ngành có điểm đánh giá thấp nhất. Tuy nhiên, trừ các doanh nghiệp ngành dầu khí có sự bứt phá so với các ngành khác, sự khác biệt giữa các ngành nêu trên và các ngành còn lại không lớn và cả 17 nhóm ngành ưu tiên khảo sát đều thuộc nhóm đứng ngoài cuộc CMCN 4.0.
Kết quả đánh giá này tương đồng với kết quả được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới vào tháng 1-2018 trong Báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia. Theo đó, so với 100 quốc gia được lựa chọn, đánh giá, Việt Nam đang nằm trong nhóm nước chưa sẵn sàng với CMCN 4.0 (mức độ sơ khởi). So với các quốc gia ASEAN, Việt Nam nằm trong 4 nước kém tiếp cận CMCN 4.0 (cùng với Lào, Campuchia và Myanmar); trong khi các nền kinh tế có cơ cấu sản xuất và xuất khẩu khá tương đồng với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Indonesia v.v.. đều có cấu trúc và động lực sản xuất cao hơn, mức độ sẵn sàng và tiềm năng cho phát triển sản xuất theo cuộc CMCN 4.0 nằm trong nhóm dẫn đầu, nhóm tiềm năng cao hoặc nhóm kế thừa.
Ngoài ra, trong một số đánh giá trên phạm vi toàn cầu khác, Việt Nam cũng đang ở vị trí thấp như: Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF (2017-2018), chỉ số nhận thức cuộc CMCN 4.0 của DII (2016), chỉ số nhận thức thay đổi của KPMG (2016) v.v.. Thời gian qua, cùng với việc nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc áp dụng vào cải cách hành chính, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 2 bậc, tuy nhiên vẫn xếp thứ 45/126 quốc gia.
 |
Nghiên cứu, sản xuất thiết bị điện tử viễn thông tại nhà máy M1 (Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội-Viettel). |
Doanh nghiệp Nhà nước có mức độ sẵn sàng cao hơn doanh nghiệp FDI
Đáng chú ý là, kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy nhóm doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có khả năng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 cao hơn nhóm doanh nghiệp có vốn nước ngoài (doanh nghiệp FDI). Ở hai khía cạnh Chiến lược-Tổ chức và Nhà máy thông minh, hơn 80% các doanh nghiệp FDI còn đang ở cấp độ 0 (ngoài cuộc), trong khi đó, các DNNN đã bắt đầu ở giai đoạn chuẩn bị, đặc biệt, các DNNN là nhóm có mức độ sẵn sàng cao đối với khía cạnh Chiến lược-Tổ chức, là khía cạnh có trọng số quan trọng nhất trong 6 khía cạnh.
Một số DNNN đã chủ động xây dựng chiến lược hoặc kế hoạch tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), nhiều đơn vị khác cũng đã đưa vấn đề này vào trong các chương trình, kế hoạch có liên quan, ví dụ như: Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đang triển khai Chương trình hành động số 188/CTr-TKV về tập trung đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa, tự động hóa vào sản xuất quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tiếp cận một số công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0, triển khai, ứng dụng tại doanh nghiệp.
Kết quả phân tích này cũng buộc chúng ta một mặt xem xét lại những định hướng ưu tiên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian qua, xem xét lại kỳ vọng về việc ứng dụng, chuyển giao các công nghệ sản xuất và quản lý từ các doanh nghiệp FDI vào trong các doanh nghiệp Việt Nam. Đến nay, nhìn chung các công nghệ tiên tiến vẫn còn ít được áp dụng tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp Việt Nam. Tỷ lệ ứng dụng các công nghệ tiên tiến có xu hướng tăng theo quy mô doanh nghiệp, và vượt trội đối với các ngành cơ khí, thiết bị điện, sản phẩm điện tử. 3 công nghệ đang được sử dụng nhiều nhất trong toàn ngành công thương là kết nối thiết bị với thiết bị/sản phẩm, công nghệ đám mây và công nghệ cảm biến, với tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng là 18%, 17% và 16%.
Cần hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ
Về mặt chiến lược, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc đưa đất nước tham gia ngay vào cuộc CMCN 4.0. Điều này thể hiện qua việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã có Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Trong nghị quyết và chỉ thị nói trên đã đề ra rất nhiều vấn đề mang tính chiến lược, yêu cầu thực hiện đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương.
Trong rất nhiều các giải pháp thì thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ có thể coi là một trong những giải pháp trọng tâm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, dù là nước phát triển hay đang phát triển, các chính phủ đều nhấn mạnh vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và coi đó là khởi nguồn của mọi tiến trình phát triển công nghệ cho cuộc CMCN 4.0. Việc phát triển các khu ứng dụng, vườm ươm, các trung tâm đầu tàu về khoa học công nghệ quốc gia là cần thiết để tạo động lực và sức lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế, những trung tâm này là nơi nghiên cứu, sáng tạo và giới thiệu những công nghệ thượng nguồn cho phát triển kinh tế-xã hội và có được sự hỗ trợ chủ yếu từ Chính phủ.
Tại nhiều quốc gia, vai trò của chính phủ trong chiến lược liên quan đến cuộc CMCN 4.0 thể hiện ở một số khía cạnh như: (1) Xây dựng định hướng, chiến lược, chính sách, giải pháp tổng thể; (2) đầu tư cho R&D; (3) hỗ trợ doanh nghiệp. Tùy vào năng lực và đặc thù của từng nền kinh tế mà chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có thể khác biệt. Tuy nhiên, các chiến lược đều tập trung vào một số hỗ trợ chính như hỗ trợ về tư vấn ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút và đào tạo nhân lực cho ngành, hỗ trợ tài chính cho các dự án, phát triển doanh nghiệp start-up...
Với Việt Nam, R&D hiện vẫn là một trong những điểm yếu của nền kinh tế. Báo cáo của WEF năm 2018 về tính sẵn sàng của các nền kinh tế trước cuộc CMCN 4.0 đánh giá Việt Nam ở nhóm sơ khởi với cấu trúc sản xuất đạt 5/10 điểm, các động lực cho phát triển sản xuất ở mức 4,9/10 điểm, trong đó chỉ số về công nghệ và đổi mới ở mức thấp nhất với 3,1/10 điểm, đầu tư cho R&D chỉ chiếm 0,2% GDP, xếp hạng 82/100 nền kinh tế, mức đầu tư này là quá thấp và sẽ không tạo hiệu quả lớn.
Theo các chuyên gia, để chủ động tham gia vào cuộc CMCN 4.0 cần xác định các lĩnh vực khoa học và công nghệ chiến lược để đầu tư, ưu tiên nghiên cứu, phát triển và nhân rộng (khuyến khích liên ngành) như: Công nghệ vật liệu mới, công nghệ không dây, số hóa nhà máy, công nghệ kết nối mạng thông minh (smart grid), internet kết nối vạn vật, năng lượng tái tạo, máy và thiết bị thông minh, công nghệ in 3D v.v.. Xây dựng bộ tiêu chuẩn truyền thông, tiêu chuẩn công nghiệp mang tính mở và quốc tế hóa để tương thích với công nghiệp 4.0 và các cơ chế, quy định đi kèm...
Lao động trình độ cao sẽ trở thành nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0. Kinh nghiệm các nước cho thấy, trong chiến lược của các quốc gia, phát triển nguồn nhân lực luôn là một nhiệm vụ trọng yếu. Việc phát triển nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0 không thể chỉ dựa vào đào tạo tự thân của quốc gia, cho dù đó là quốc gia phát triển cao như Đức hay Hoa Kỳ, mà quan trọng hơn là chính sách thu hút nhân tài và các chương trình giao lưu trao đổi chuyên gia.
HỒ QUANG PHƯƠNG