 |
Ông Nguyễn Gia Liêm. |
Phóng viên (PV): Năm 2018, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có những biện pháp gì để đạt được kết quả tốt trong lĩnh vực XKLĐ, thưa ông?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Năm 2018 là năm hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cả nước có 142.860 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để đạt được kết quả này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chủ động phối hợp tham mưu và trình lãnh đạo bộ ký thêm nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước, tạo khung pháp lý và cơ chế thực hiện việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ví như ký Bản ghi nhớ (MOU) về Chương trình phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) ngày 23-3-2018; Bản ghi nhớ hợp tác về việc phái cử và tiếp nhận thực tập sinh hộ lý với Nhật Bản; Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển nguồn nhân lực và sử dụng các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật với tỉnh Saitama (Nhật Bản); Thỏa thuận hợp tác lao động và chính sách xã hội với Bungari, Rumania... Ngoài ra, cục cũng xúc tiến để đẩy mạnh các thị trường khác, như: Đưa lao động đi làm giúp việc gia đình tại Saudi Arabia; hợp tác lao động Việt Nam-Kuwait; đưa thực tập sinh nông nghiệp đi Israel... Đặc biệt, thị trường lao động Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng cao, đa dạng về ngành nghề. Cùng với đó, một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, như: Điều dưỡng, hộ lý và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động và đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho lao động trước khi xuất cảnh. Năm 2018 cũng là năm đầu tiên số lượng thực tập sinh sang Nhật Bản vươn lên dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Tính đến hết tháng 12-2018, số lượng thực tập sinh được phái cử sang Nhật Bản đạt 48,11%, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 140.000 người. Việt Nam trở thành nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản.
 |
Đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật cao. Ảnh: MẠNH DŨNG |
PV: Mặc dù được đánh giá cao ở nhiều nước, nhưng theo ông, hạn chế cần khắc phục ở lao động Việt Nam là gì?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Ngoài những nguyên nhân khách quan gây bất lợi cho XKLĐ, lao động Việt Nam cần phải khắc phục hạn chế về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp với yêu cầu cao của một số thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp; nhận thức và chất lượng của NLĐ chưa thể nâng cao trong thời gian ngắn tập trung đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của NLĐ chậm được khắc phục. Vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động, tư vấn, tuyển chọn lao động mà khoán trắng mọi hoạt động từ việc tìm kiếm thị trường, thực hiện hợp đồng cung ứng lao động cho chi nhánh hoặc trung tâm trực thuộc trong khi quản lý không chặt chẽ...
PV: Để năm 2019 tiếp tục là năm đột phá trong XKLĐ, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có những biện pháp gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Gia Liêm: Năm 2019, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, hoàn thiện hồ sơ xây dựng và phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị, trình nội dung về Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Song song với việc ổn định và mở thêm những thị trường XKLĐ mới, cục tiếp tục mở rộng những ngành nghề mới, nhất là những ngành nghề có nhu cầu lao động chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử của cục, bộ và các phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách, quy định mới của Việt Nam cũng như các nước tiếp nhận, thông tin giới thiệu về các chương trình tuyển dụng mới và nhu cầu của các thị trường tiếp nhận lao động. Cục cũng sẽ tổ chức nhiều khóa tập huấn, thông tin những quy định mới về pháp luật liên quan đến lĩnh vực đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho cán bộ các doanh nghiệp XKLĐ và cán bộ địa phương làm công tác này nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
DIỆP CHÂU