QĐND - Chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” với ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên, là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình; thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
Sức khỏe bắt nguồn từ bữa ăn gia đình
Có nhiều quan niệm khác nhau về bữa ăn gia đình hợp lý, chẳng hạn như ăn uống tại nhà ngon hơn vì hợp khẩu vị, bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, rẻ tiền và đặc biệt là vui hơn vì được quây quần với những người thân yêu nhất của mình sau một ngày làm việc căng thẳng.
Bữa ăn ngon không có nghĩa là phải chế biến những món ăn thịnh soạn, đắt tiền, nhưng phải hợp khẩu vị. Có những món ăn truyền thống, đơn giản, rẻ tiền nhưng lại kích thích sự ngon miệng. Món ăn ngon phải phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình. Chẳng hạn, đối với trẻ em và thanh, thiếu niên, là lứa tuổi đang phát triển nhanh, nhu cầu dinh dưỡng cao, vì vậy bữa ăn cần bảo đảm cả về chất lượng lẫn số lượng. Những người lao động, đặc biệt là lao động nặng, nhu cầu dinh dưỡng sẽ cao hơn người làm việc văn phòng. Ngược lại, với người cao tuổi tiêu hóa và hấp thu kém, không thể ăn quá nhiều trong cùng một bữa, vì vậy cần chú ý cách chế biến thức ăn phải mềm, dễ tiêu hóa và nên chia thành nhiều bữa trong ngày.
 |
Hạnh phúc trong bữa cơm gia đình. Ảnh: Minh họa.
|
PGS, TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyên rằng, để cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, không phải cứ ăn thật nhiều là đủ, vì ăn uống không chừng mực, ăn quá nhiều so với nhu cầu có thể dẫn đến các bệnh lý mãn tính có liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân béo phì, bệnh lý tim mạch, ung thư, đái tháo đường… Vì vậy, nên sử dụng thực phẩm đa dạng, cân đối giữa thực phẩm động vật và thực vật để chế biến bữa ăn hằng ngày (từ 15-20 loại thực phẩm), vì các thực phẩm trong thiên nhiên dù hoàn hảo đến đâu cũng không thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Người Việt ta ăn khoa học, khi ăn cũng là uống thuốc. Trong món ăn có cả âm dương: Món mặn thuộc dương, ngọt thuộc âm. Có những kinh nghiệm ăn uống mà dựa vào thực tế đã khiến bữa cơm trong gia đình người Việt trở nên khoa học hơn rất nhiều. Ví dụ như lời khuyên "mùa hè ăn cá sông, mùa đông ăn cá biển" đã chứa trong đó sự thâm thúy về ẩm thực. Theo PGS, TS Lê Bạch Mai, mùa hè, cá nước ngọt thấm nhiều "cái âm" của nước ngọt, sẽ làm cân bằng "cái dương" trong cơ thể con người. Còn mùa đông khi cơ thể thấm cái lạnh là âm, sẽ rất tốt khi ăn cá biển - cá biển thấm muối biển là có "cái dương" trong chúng. Từ xa xưa, ông cha ta đã để lại rất nhiều cuốn sách dạy cách ăn uống, cách kết hợp các loại thực phẩm, thức ăn với nhau để cân bằng âm-dương một cách khoa học, bảo đảm tốt nhất sức khỏe cho đời sau.
Nhiều bệnh tiềm ẩn từ những thức ăn nhanh
Tuy nhiên, vẫn theo PGS, TS Lê Bạch Mai, lượng rau trong bữa cơm gia đình người Việt hiện nay giảm khoảng 32g (171g/người/ngày so với 203g/người/ngày so với những năm 80 của thế kỷ trước). Nhu cầu dinh dưỡng cần thiết khoảng 300g/người/ngày. Chúng ta chuyển từ ăn gần đủ rau sang... thiếu rau. Mức tiêu thụ thịt, trứng, sữa tăng cao. Trong khi đó, lượng cá tiêu thụ tăng không nhiều. Điều này cho thấy, mặc dù nước ta có nguồn hải sản dồi dào nhưng người dân vẫn thích ăn thịt hơn ăn cá. Lượng chất béo tiêu thụ vừa đủ trước đây nay trở nên dư thừa (hơn 25%, trong khi khuyến cáo về lượng chất béo trong dinh dưỡng chỉ nên chiếm 16%-25% tổng năng lượng). Lượng đường sử dụng cũng tăng đáng kể, hiện nay tăng gấp 10 lần so với năm 1987... Một số nguồn thực phẩm có lợi cho sức khỏe như ngũ cốc, gạo, khoai đã giảm đáng kể.
PGS, TS Lê Bạch Mai khuyến cáo, ăn nhiều thức ăn nhanh và các món chiên, xào sẽ có nguy cơ cao bị thừa cân, béo phì. Lựa chọn thức ăn nhanh hoặc dùng thức ăn đường phố để tiết kiệm thời gian, công sức nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp và mãn tính. Tái sử dụng chất béo trong nhiệt độ cao là một trong những nguyên nhân có thể gây ung thư. Các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe như ngũ cốc, gạo, khoai được thay thế bằng mì ăn liền, bánh mì, hamburger, khoai tây chiên, đùi gà chiên... đều nhiều đường, bột, đạm, béo nhưng lại ít chất khoáng, sinh tố.
Bỏ thói quen với bữa ăn truyền thống, chúng ta đang đối mặt với nhiều căn bệnh mãn tính nguy hiểm. Nói cách khác, duy trì bữa ăn truyền thống nhiều rau, cá, ít thịt, vừa đủ chất béo là cách ăn khoa học, sẽ giúp cơ thể tránh được những bệnh làm giảm chất lượng sống, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
THU HƯƠNG