Hiệu quả từ hiện đại hóa

Thông tư 184 được sửa đổi và bổ sung nhằm nâng cao hiệu suất và linh hoạt trong quá trình quản lý và thu NSNN từ các hoạt động liên quan đến XNK. Các thay đổi này cũng có mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tuân thủ các quy định về thuế và các khoản phí khác. Theo đó, cơ quan hải quan đã tiến hành phối hợp với 45 ngân hàng thương mại để thu NSNN. Trong số này, 39 ngân hàng đã triển khai hình thức nộp thuế điện tử và thông quan 24/7; 7 ngân hàng đã triển khai nộp thuế DN thông qua ủy quyền trích nợ. Quá trình hiện đại hóa thu NSNN đã đóng góp tích cực vào việc giảm thời gian nộp thuế, rút ngắn thời gian thông quan giải phóng hàng, và giảm chi phí cho DN.

Sự ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thuế cũng đã giảm thời gian đối chiếu số liệu của cơ quan hải quan. Thống kê cho thấy các khoản thu NSNN qua Cổng thanh toán điện tử hải quan đã tăng lên từng năm và chiếm 99,7% tổng thu ngân sách của ngành. Cụ thể, năm 2014 chiếm 53%, năm 2015 là 62,86%, năm 2016 là 87,63%, và đến năm 2022 đã đạt 99,7%. Những con số này đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện Đề án phát triển thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam.

Trong các văn bản chính sách pháp luật như Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, đã có các quy định rõ ràng về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giao dịch điện tử và quản lý thuế hiện đại. Mục tiêu là đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, nhằm hạn chế giao dịch thanh toán bằng tiền mặt từ phía người nộp thuế.

Bộ Tài chính đã cũng ban hành Thông tư số 19/2021/TT-BTC để hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Theo đó, cổng trao đổi thông tin được định nghĩa là hệ thống kết nối và trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử giữa ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với Tổng cục Thuế.

Tuy nhiên, Thông tư 184 mới chỉ quy định cho tổ chức tín dụng tham gia phối hợp thu với cơ quan hải quan và chưa nêu rõ phạm vi cụ thể, đối tượng tham gia trao đổi thông tin thu nộp NSNN bằng phương thức điện tử đối với hàng hóa XNK giữa cơ quan hải quan và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đối với cá nhân tham gia hoạt động XNK, cơ quan hải quan vẫn tiếp tục thu thuế bằng tiền mặt.

Trước sự phát triển không ngừng của công nghệ, Tổng cục Hải quan đánh giá, việc mở rộng thêm phương thức thu nộp NSNN là cần thiết. Điều này giúp tăng cường tiện ích trong quá trình thanh toán thuế điện tử, đáp ứng xu hướng thanh toán hiện đại và mang lại thêm sự lựa chọn cho người nộp thuế. Mục tiêu là hướng tới việc giảm thời gian thông quan và giảm chi phí cho DN và người dân khi tham gia hoạt động XNK.

Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Hà Nam Ninh.

Từ nhu cầu thực tiễn

Theo Tổng cục Hải quan, việc mở rộng phương thức thuế thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan hải quan, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian và người nộp thuế.

Cụ thể, tăng cường tiện ích trong việc nộp thuế điện tử cho hàng hóa XNK sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tham gia. Ngoài ra, các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu thuế và các khoản thu khác liên quan đến hàng hóa XNK cũng sẽ được thực hiện thông qua trung gian thanh toán.

Đồng thời, việc tối ưu hóa quá trình nộp tiền thuế và phí mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện kết nối internet sẽ giúp người khai hải quan tự chủ hơn và nâng cao tiện ích của dịch vụ hải quan, đồng thời tăng cường nguồn thu NSNN. Với xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ, cá nhân và DN sẽ có khả năng mở rộng kênh và hình thức thanh toán thuế phù hợp với nhu cầu thực tế.

Theo Tổng cục Hải quan, việc mở rộng để phối hợp trao đổi thông tin thu NSNN đối với hàng hóa XNK gia tăng tiện ích cho người nộp thuế, gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu.

Cụ thể, tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 184, cơ quan hải quan đang soạn thảo gồm 3 Điều. Trong đó, tại Điều 1 dự thảo Thông tư sẽ sửa đổi, bổ sung điểm a, đ khoản 2 Điều 1; Điều 4; khoản 1 Điều 5; khoản 1, 4 Điều 9; khoản 10 Điều 10; khoản 2, 3 Điều 11; sửa đổi, bổ sung cụm từ tại Thông tư 184.

Đồng thời, bổ sung khoản 17 Điều 2; Điều 8a quy định về tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tham gia thực hiện thu thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN trong lĩnh vực hải quan. Bổ sung Điều 13a quy định trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; khoản 16 Điều 14; Điều 17a quy định về thu, nộp NSNN qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Điều 25a quy định đối chiếu số liệu và xử lý sai sót giữa cơ quan hải quan với tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán...

Theo Tổng cục Hải quan, việc điều chỉnh, sửa đổi, và bổ sung các quy định theo hướng tăng cường sự tham gia của tổ chức trong quá trình thu NSNN đối với hàng hóa XNK sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý là đầy đủ để thực hiện việc trao đổi thông tin thu NSNN với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Đặc biệt, việc mở rộng đối tượng áp dụng cho các khoản thu nộp NSNN thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán sẽ được thực hiện chặt chẽ và đồng bộ với quy định của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Nghị định số 11/2020/NĐ-CP. Trong đó, tổ chức đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có văn bản gửi cơ quan hải quan nêu rõ các giải pháp CNTT để thực hiện trao đổi thông tin thu cũng sẽ không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính đối với người nộp thuế.

Bài và ảnh: BÙI NỤ