Đột phá mới về phát triển đô thị và liên kết vùng

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch) xác định đến năm 2030, tỉnh có 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I (TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An, TP Thuận An), 2 đô thị loại II (TP Tân Uyên, TP Bến Cát), 1 đô thị đạt tiêu chí thị xã-đô thị loại IV (huyện Bàu Bàng) và 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV (thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên; thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo; thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng). Đây là bước đột phá mới cho Bình Dương để hướng đến tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 88% đến 90%.

Bên cạnh đó, không gian đô thị Bình Dương sẽ phát triển gắn với đô thị trung tâm TP Hồ Chí Minh theo mô hình vùng đô thị với khung cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, tiếp giáp chính với TP Hồ Chí Minh của Bình Dương là hai địa phương TP Dĩ An và TP Thuận An sẽ chuyển đổi thành các trung tâm dịch vụ cấp vùng về thương mại và dịch vụ logistics.

Đánh giá cao Quy hoạch tỉnh Bình Dương chú trọng đến liên kết vùng, chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) đã đề nghị tỉnh Bình Dương cần phát huy tối ưu hiệu quả liên kết vùng với TP Hồ Chí Minh, nhất là quan hệ kinh tế, lao động việc làm, kết nối hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, mối quan hệ, liên kết của TP Dĩ An và TP Thuận An với TP Hồ Chí Minh cần được chú trọng nhiều hơn để phát triển đô thị.

leftcenterrightdel

Xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng tạo điều kiện để Bình Dương phát triển bứt phá. Ảnh: HẠ LONG 

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An đã cho rằng, thành phố sẽ phát triển là khu đô thị dịch vụ, công nghiệp quy mô lớn tại phía Nam tỉnh Bình Dương. Đây là trung tâm kết nối các khu đô thị phía Bắc của tỉnh và với TP Hồ Chí Minh, là một nút giao thông quan trọng của Bình Dương với khu vực đô thị TP Hồ Chí Minh bao gồm cả đường ven sông Sài Gòn và đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Quy hoạch tỉnh Bình Dương được xây dựng bám sát Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch đặt ra những định hướng lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Bình Dương. Đồng thời, Quy hoạch đề ra chiến lược phát triển, kết nối hạ tầng đô thị, giao thông và hạ tầng xã hội với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP Hồ Chí Minh nhằm nắm bắt cơ hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh.

Trên thực tế thời gian qua, Bình Dương đã chủ động đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế-xã hội, kết nối giao thông liên vùng với các địa phương trong xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối vùng. Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm như: Đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Chơn Thành, mở rộng Quốc lộ 13...

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, đô thị Bình Dương đã được phát triển theo hướng xanh, văn minh, hiện đại, thông minh. Theo đồng chí Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, tỉnh phát triển theo mô hình vùng đô thị lớn, “đảo đô thị”, “TOD” (phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch) là những giải pháp giúp quy hoạch đô thị hiện đại, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chất lượng sống cao. Quy hoạch tỉnh Bình Dương là nền tảng vững chắc để địa phương đột phá về phát triển đô thị, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, thông minh và mở rộng không gian phát triển.

Tăng trưởng xanh giữ vai trò chủ đạo

Quy hoạch tỉnh Bình Dương hướng tới mục tiêu quan trọng đưa tỉnh sớm vượt qua các thách thức của bẫy thu nhập trung bình, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, kết hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế của quốc gia, vươn tầm quốc tế. Theo đó, đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện, là trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh. Bình Dương sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm và tỷ trọng kinh tế số đạt 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Tỉnh phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân với GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800USD.

Để đạt mục tiêu trên, Bình Dương đã và đang triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đổi mới hệ sinh thái mới, tập trung cho đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, phát triển xanh hóa nền kinh tế trên nền tảng khoa học và công nghệ đang là ưu tiên hàng đầu của tỉnh, trở thành yếu tố đặc trưng của Bình Dương góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Bá Khải, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, trong giai đoạn mới, công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh sẽ chuyển biến theo hướng sinh thái, thông minh. Khu công nghiệp thông minh-sinh thái được xem là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu nhằm bổ sung cho mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ hiện hữu của tỉnh, sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư. Quy hoạch tỉnh Bình Dương sẽ tạo đột phá cho tỉnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái phát triển mới, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.   

Trên tinh thần kế thừa và phát triển, Bình Dương xác định tầm quan trọng và vai trò của Quy hoạch tỉnh sẽ là kim chỉ nam cho thời kỳ phát triển mới. Để triển khai Quy hoạch vào thực tiễn, nhất là còn khoảng 6 năm phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, những công việc đặt ra đối với hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại tỉnh nhiều hơn và đòi hỏi yêu cầu cao hơn.

Thông qua các kỳ hội thảo góp ý, thẩm định về Quy hoạch, đồng chí Võ Văn Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh được nghiên cứu khoa học, chiến lược và thực tiễn, hướng tới mục tiêu đưa tỉnh tiên phong trong đổi mới sáng tạo, kết hợp với các địa phương vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế của quốc gia, vươn tầm quốc tế. Các cấp, ngành sẽ quán triệt và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong bảo đảm Quy hoạch được triển khai hiệu quả, đồng bộ, tận dụng tối đa các nguồn lực cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của tỉnh.

Dự kiến tháng 9-2024, Bình Dương tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điểm nhấn quan trọng của Quy hoạch là xác định rõ đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.

 

HỒNG GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.