Trong 9 tháng năm 2024, kinh tế của Bình Dương đạt nhiều dấu hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2023. Các khu công nghiệp tại Bình Dương cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng với tổng vốn đầu tư xây dựng 4.278 tỷ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt 255.099 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã xử lý 414 vụ vi phạm về gian lận thương mại, đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho thị trường…

Bên cạnh đó, Bình Dương ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 25,6 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, trong đó, riêng xuất khẩu từ các khu công nghiệp đạt 18,2 tỷ USD, chiếm tới 71,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Về nhập khẩu, đạt 18,2 tỷ USD, tăng 13,4%, giúp tỉnh duy trì thặng dư thương mại ở mức 7,4 tỷ USD.

Hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước năm 2024 tại Bình Dương.

Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp trong các hiệp hội ngành hàng đã ký kết hợp đồng sản xuất, xuất khẩu đến tháng 11 và 12-2024. Riêng các doanh nghiệp ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết quý I năm 2025. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các hiệp hội năm 2024 ước tăng 15-20% so với năm 2023 và bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2024.

Tại hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước năm 2024 mới đây, đại diện các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đã trao đổi, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo các doanh nghiệp, thách thức lớn hiện nay là đang phải đối mặt là việc tiếp cận nguồn vốn vay. Hầu hết các ngân hàng hiện nay yêu cầu tài sản bảo đảm cho các khoản vay và từ chối cho vay tín chấp theo dự án hoặc hợp đồng xuất khẩu. Ngoài ra, thời gian đặt hàng từ khách hàng quốc tế ngắn hơn buộc các doanh nghiệp phải tăng cường tăng ca để kịp tiến độ, dẫn đến việc chi phí sản xuất tăng lên.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, thách thức của doanh nghiệp hiện nay là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, các yêu cầu khắt khe về phát thải carbon thấp nhằm đạt mục tiêu “Net Zero” trong chuỗi cung ứng... Những yếu tố này đã làm tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Các hiệp hội ngành hàng nêu kiến nghị.

Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đề xuất xem xét miễn giảm các mức phạt liên quan đến báo cáo hoàn thành đánh giá tác động môi trường, mong muốn có các chính sách hỗ trợ về hoàn thuế và chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ và gia hạn thời gian thanh toán các khoản vay để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay sở và duy trì hoạt động… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị giảm chi phí đầu tư cho các quy định nghiêm ngặt, khắt khe về môi trường và phòng cháy, chữa cháy, nhất là với các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp. Những doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu mới và cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để duy trì hoạt động.

Hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp và đã giải quyết được 130 trường hợp vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng. Về phương diện tiếp cận vốn, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương cho biết, ngân hàng Nhà nước thực hiện hài hòa giữa hai mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, đồng lòng chung sức, quyết tâm vượt khó cùng doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và cho từng tổ chức tín dụng. Để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cho vay tín dụng.

Các doanh nghiệp tại Bình Dương tiếp tục nỗ lực sản xuất cho những tháng cuối năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh rằng, Bình Dương không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng cần có những hướng dẫn phù hợp để doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định pháp luật. Tỉnh luôn chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn mà các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đang gặp phải, đồng thời sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết kịp thời các vướng mắc. 

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các sở, ban, ngành nhanh chóng thống kê, giải quyết những khó khăn, vấn đề của hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp theo thẩm quyền. Từ đó, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, cải thiện thủ tục hành chính và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay để tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới. ​

THUẬN UYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.