QĐND - Ở làng Chuông (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), nhân dân thực hiện quyền bình đẳng giới ngay từ ở… đình làng.

Theo quan niệm dân gian mà nhiều nơi hiện vẫn còn áp dụng, đình làng là nơi thờ Thành hoàng làng và phụ nữ không được phép vào nơi ấy làm lễ. Những khi có việc làng, các cụ bà cũng không được vào đó tham dự. Nhưng ở làng Chuông, sự phân biệt ấy không còn tồn tại.

Theo các bậc cao niên trong làng, tập tục một cụ ông và một cụ bà cao tuổi nhất làng được mời lên dâng lễ Đức thánh Thành hoàng làng vào mỗi sáng Mồng Một Tết Nguyên đán đã được áp dụng ở đây từ rất lâu. Đình làng có ba gian. Mỗi khi có hội làng, lễ, Tết hay việc làng, gian giữa được dành riêng cho các cụ bô lão cao tuổi nhất làng. Gian bên trái dành cho các cụ ông chưa được xếp ngồi ở gian giữa. Tương tự như vậy, gian bên phải dành cho các cụ bà. Phàm là bàn việc nước, việc xã hội hay việc làng, các cụ ông, cụ bà đều được quyền tham gia bình đẳng với nhau. Việc tế, lễ ở các nơi khác bình thường cũng chỉ dành cho các cụ ông, nhưng ở làng Chuông, các cụ bà và các cụ ông đều có đội tế để thực hiện các nghi thức tế lễ tại đình làng. Con cháu người làng Chuông dù ở nhà hay đi làm ăn, lập nghiệp nơi xa cũng không phân biệt nam-nữ, đều có quyền về đình làm lễ, dâng hương.

Đề cao vai trò của phụ nữ là một nét đẹp trong văn hóa của làng Chuông. Mỗi người sinh ra và trưởng thành đều phải nhờ công cả bố và mẹ. Lối sống, nếp nghĩ, tập tục lạc hậu xưa cũ "đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp", "đàn bà không được bàn việc họ", "phụ nữ không được ngồi mâm trên"..., hạ thấp vai trò của người phụ nữ cần phải được loại bỏ. Nhất là trong giai đoạn mở cửa hội nhập hiện nay, khi mà những thành tích nhiều lĩnh vực của "phái yếu" đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia.

Nếu làng nào cũng có được nét văn hóa bình đẳng giới như ở làng Chuông, quyền của phụ nữ chắc chắn sẽ được thực thi tốt hơn.

THUỲ LÂM