QĐND - TP Hà Nội đang tiến hành lộ trình cụ thể về tổ chức bộ máy, cơ cấu công tác cán bộ và các điều kiện cần thiết khác để hai quận mới là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm sớm đi vào hoạt động hiệu quả. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, về những nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị này.
 |
Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
|
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, tại sao năm 2014, Hà Nội chọn là "Năm trật tự và văn minh đô thị"?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Năm 2014, Hà Nội lấy chủ đề “Trật tự và văn minh đô thị”. Điều đó có thể thấy tính nhất quán, xuyên suốt trong việc coi trọng cải cách hành chính. Vì chủ đề này cũng bao hàm yêu cầu về trật tự. Đồng thời, yêu cầu về văn minh đô thị cũng là một yêu cầu lớn và quan trọng. "Năm trật tự và văn minh đô thị" đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của người thực thi công vụ cũng như ý thức của từng người dân Thủ đô.
PV: Việc thành lập hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm cũng là hành động cụ thể gắn với chủ đề này, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Như tôi nói ở trên, yêu cầu về văn minh đô thị cũng là một yêu cầu lớn và quan trọng. Gắn việc này với việc điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập hai quận mới của Thủ đô thì đây cũng là yêu cầu rất là khách quan.
Thứ nhất, về quy mô và tốc độ đô thị hóa thì Từ Liêm hiện nay rất lớn và nhanh. Đô thị hóa theo hướng tập trung, hiện đại, quy mô dân số với hơn nửa triệu người, rồi phương thức quản lý... Nếu quản lý theo phương pháp quản lý xã thì không phù hợp với đô thị nữa. Bởi vậy, việc thành lập hai quận mới là rất cần thiết. Cũng phải nói thêm, trong khi cả nước có nhiều nơi muốn thành lập mới hoặc chia tách, nhưng Chính phủ chỉ quyết định duy nhất một nơi được làm đó là Từ Liêm.
Nguồn nhân sự chủ chốt cho hai quận mới dồi dào
PV: Ngày 1-4 tới, bộ máy hành chính của hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm có kịp đi vào hoạt động để phục vụ nhân dân không, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Thành phố cam kết với nhân dân, với xã hội là đúng ngày 1-4-2014, bộ máy hành chính mới của hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đến nay cũng không có trở ngại gì trong việc thành lập bộ máy của hai quận mới.
PV: Vậy, công tác chuẩn bị nhân sự cho hai quận mới được Thành phố thực hiện như thế nào?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Trên tinh thần rút kinh nghiệm thêm một bước nữa của lần mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Thành phố rất chủ động trong việc chỉ đạo thành lập bộ máy của hai quận mới, đó là chặt chẽ, bảo đảm đúng nguyên tắc tiết kiệm về người, về của.
Việc thành lập hai quận và 23 phường của TP Hà Nội phải dựa trên nguyên tắc bàn giao nguyên trạng diện tích đất đai, dân số, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở kinh tế, văn hóa, tổ chức bộ máy, cán bộ, chỉ tiêu kinh tế-xã hội của từng quận, từng phường theo địa giới hành chính. Về tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ phải thực hiện tinh giản, gọn đầu mối, đúng pháp luật và các quy định của Thành phố... Việc chỉ định UBND lâm thời của hai quận, thành lập các phòng chuyên môn của quận thực hiện xong trước ngày 20-3-2014.Quận Bắc Từ Liêm có diện tích 4.355,34ha. Quận Nam Từ Liêm có diện tích 3.227,36ha. (Nguồn UBND TP Hà Nội) |
Trên cơ sở nền tảng đội ngũ cán bộ hiện nay của huyện Từ Liêm, Thành phố sẽ cất nhắc ai phù hợp với Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, nhưng về cơ bản là tiến hành chia đôi nhân sự. Còn nếu lấy thêm cán bộ bổ sung cho hai quận thì số này cũng trong bộ máy của Thành phố. Tóm lại, biên chế tổng thể của một quận thì đương nhiên phải có thêm người, nhưng cũng sẽ nằm trong số người hiện có của Thành phố. Hiện nay, các sở, ban, ngành của Thành phố cũng đang trong xu thế luân chuyển cán bộ. Vì vậy, đây cũng là thời điểm thuận lợi để lãnh đạo các sở, ngành về hai quận mới bồi dưỡng, đào tạo và thử thách.
Đối với các đại biểu dân cử thì thực hiện theo luật. Đại biểu khu vực bầu cử nào thì về đơn vị bầu cử đó. Như vậy, HĐND huyện Từ Liêm cơ bản là chia hai, nếu thiếu bao nhiêu thì bầu bổ sung bấy nhiêu. Còn đối với bộ máy chính quyền và bộ máy Đảng thì dùng quyền của cấp trên để điều động bố trí cán bộ. Đội ngũ cán bộ của TP Hà Nội rất đông, nguồn nhiều nên không khó lắm để chọn ra một bí thư, chủ tịch cho hai quận mới.
PV: Thưa đồng chí, tại sao Hà Nội không tổ chức thi tuyển để chọn được ứng cử viên tốt nhất?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Đó cũng là một trong những phương án, nhưng phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm. Nếu phát huy việc ứng cử theo hình thức thi tuyển thì rất dân chủ nhưng lại phụ thuộc vào việc đưa ra các tiêu chí thi. Hơn nữa, có người lý thuyết giỏi nhưng chỉ đạo điều hành chưa chắc đã giỏi. Vì vậy, công tác cán bộ quan trọng nhất là sâu sát, công minh. Sâu sát là hiểu đúng cán bộ sẽ lựa được người đúng, người tốt. Nếu đánh giá cán bộ vô tư, khách quan, không thiên vị thì không nhất thiết cứ phải thi tuyển.
PV: Việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho hai quận này sẽ tiến hành theo hướng nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Quang Nghị: Về trụ sở đương nhiên chưa thể có đủ ngay cho các đơn vị mới tách ra. Tuy nhiên, Hà Nội cũng có thuận lợi là hiện nay đã có những quỹ nhà ở các khu đô thị, các khu chung cư chưa sử dụng tới, bán cũng chưa được. Vì vậy, trước mắt có thể vào đấy để sử dụng, rồi từng bước xây dựng mới, có cân nhắc, có tính toán. Tất cả các phương tiện sẽ không có mua sắm mới, chia nhau ra mà làm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
VŨ DUNG (thực hiện)