QĐND - Tứ Xuyên từ một xã đứng ở hàng trung bình huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), qua 3 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Ông Đặng Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã, hào hứng "khoe" với chúng tôi: “Tứ Xuyên hôm nay so với năm 2004, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần, đạt 26,5 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo giảm từ 15,1% xuống 2,86%... Văn hóa, xã hội cũng như các mặt đời sống đều khởi sắc, mới mẻ”.

Đi sâu tìm hiểu thực tế, chúng tôi càng rõ điều ông Sáu nói. Hệ thống giao thông toàn xã như một bàn cờ với tổng số 27km đường nhựa và bê tông. Trong đó, đường liên xã dài 4,2km, rộng từ 5-7m; còn lại là đường trục các thôn, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng, rộng từ 2,5-3m. Tất cả đều thông thoáng. Trong từng gia đình có thùng rác nắp kín. Hằng tuần, vào các ngày thứ 2, thứ 5, tổ dịch vụ xử lý rác thải của xã đưa xe đến mọi ngõ ngách thu gom để chuyển về hai bãi tập trung có quy trình chôn lấp, phân hủy, đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Đường đi lối lại không còn vương rác rưởi. Ruồi nhặng cũng biến mất. Vườn tược bốn mùa đầy hoa trái.

Một góc làng quê Tứ Xuyên hôm nay.

Ông Nguyễn Như Quỳnh, nguyên Bí thư chi bộ và ông Đặng Văn Lệch, nguyên Trưởng thôn Làng Vực, hai cựu chiến binh tâm đắc: “Bí quyết thành công là chỉ cần thực hiện đúng dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và tất cả là để dân được hưởng; không được nói một đằng, làm một nẻo”. Các ông dẫn chứng việc huy động kinh phí làm đường giao thông. Định mức Nhà nước hỗ trợ 20%, nhân dân góp 80%. Nhưng bà con còn thiếu thốn, khó khăn. Chi bộ đã tổ chức họp, lấy ý kiến người dân trong thôn để bàn và nhanh chóng đồng thuận; trong đó có quyết nghị vận động con em sinh sống xa quê hỗ trợ. Làm đường, khó nhất là việc “biến nhỏ, cong thành to, thẳng”, vì phải có hiến đất. Đất của cha ông để lại, đâu dễ cho đi! Thôn chỉ đạo các đoàn thể vận động, chỉ rõ cho bà con hiểu hy sinh cái nhỏ, cái trước mắt để được cái lớn lâu dài. Và khi người dân đã hiểu, mọi điều trở nên thuận lợi. Bệnh binh Nguyễn Trọng Toàn xung phong hiến 40m2; ông Trần Văn Diện hiến 15m2; các ông: Nguyễn Tín, Trần Văn Hải, Bùi Văn Tưởng… cũng nhiệt tình hiến đất. Gia đình các ông: Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Thiên Thức, Đặng Văn Hưng… ở ngoài vùng cần hiến đất cũng hăng hái, mỗi người ủng hộ một tấn xi măng…

Rời Tứ Xuyên, tạm biệt một xã nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại và môi trường xanh, sạch, đẹp… chúng tôi càng thấm thía câu chuyện “Tất cả là để dân được hưởng”. Đó cũng là bài học thiết thực không chỉ với việc xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG