QĐND - Hiến pháp năm 2013 có nội dung rất tiến bộ, công dân có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã cụ thể hóa nội dung hiến định này. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc tới trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 10-11.
Chặn "giấy phép con”
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đánh giá, việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này là sự nỗ lực tối đa, tạo đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh. Bước đột phá này thể hiện điểm rất quan trọng của Hiến pháp năm 2013, chuyển từ quản lý theo kiểu “chọn cho” (người dân được chọn ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật cho phép-PV) sang kiểu “chọn bỏ” (người dân được chọn ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm-PV). “Đây là đột phá mang tính cách mạng, tôi rất ủng hộ tư tưởng này”, đại biểu nói.
 |
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phát biểu ngày 10-11. Ảnh do Văn phòng Quốc hội cung cấp
|
 |
Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) phát biểu ngày 10-11. Ảnh do Văn phòng Quốc hội cung cấp
|
Đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) cũng đánh giá cao việc tập hợp và quy định chi tiết trong dự thảo luật này 6 lĩnh vực và 272 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và cho rằng “đây là một trong những cải cách lớn”. “Việc bãi bỏ thủ tục, cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với tất cả các nhà đầu tư trong nước, đồng thời rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư”, đại biểu nói.
Quan điểm của đại biểu Trần Du Lịch và đại biểu Phạm Văn Cường cũng là quan điểm chung của đa số đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường ngày 10-11.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh tới việc phải dự tính trước những “kẽ hở” pháp lý dẫn tới tình trạng ban hành “giấy phép con”, làm giảm ý nghĩa của tinh thần cải cách mà Hiến pháp năm 2013 mang lại.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, quy định về lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Điều 8 dự thảo luật còn chung chung, chưa đủ để ngăn chặn tình trạng đặt nhiều "giấy phép con”, hạn chế quyền kinh doanh của công dân. Do vậy, đại biểu đề nghị, cần quy định rõ những tiêu chí để được đặt ra điều kiện kinh doanh dưới các hình thức giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, vốn pháp định, chấp thuận khác của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng đề nghị bổ sung quy định Nhà nước không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện các yêu cầu bổ sung hoặc các yêu cầu khác trái với quy định của luật này và pháp luật có liên quan. Theo đại biểu, bổ sung quy định đó nhằm “bảo đảm nhà đầu tư không bị yêu cầu xin thêm các giấy phép con, thực hiện thêm các thủ tục rườm rà khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, mà các yêu cầu đó đi ngược lại với các văn bản pháp luật hiện hành, là tình trạng thực tế vẫn xảy ra ở các cơ quan nhà nước”.
Để thể hiện sự công khai, minh bạch, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) kiến nghị cần quy định rõ trong dự thảo luật thời gian cụ thể để cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, tức là Chính phủ, UBND cấp tỉnh, đồng ý hay không đồng ý đều phải có văn bản trả lời cho chủ đầu tư.
Sau khi đưa ra con số thống kê, số lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện được thu hẹp từ 51 xuống còn 6 lĩnh vực, số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện giảm từ 386 xuống còn 272 ngành, nghề, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nói: “Nỗ lực này của Ban Soạn thảo đã đáp ứng được mong muốn của nhiều đại biểu Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, do điều kiện đầu tư, kinh doanh cụ thể đối với 272 ngành, nghề này sẽ được quy định tại các nghị định, trong khi Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015, nên Chính phủ cần sớm ban hành chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư, kinh doanh để dự án luật sớm đi vào cuộc sống.
Một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2015
Với tỷ lệ tán thành 89,54%, chiều 10-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015. Theo đó, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu trong năm 2015 được xác định như sau:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%.
Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.
Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%.
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%.
Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường.
Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%.
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 82%.
Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
|
“Thoáng”, nhưng phải quản lý được
Tương tự như Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng được phần đông đại biểu Quốc hội tán thành vì sự thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kể từ những thủ tục đầu tiên để đăng ký thành lập. Tuy nhiên, cũng có đại biểu bày tỏ quan ngại về hiệu quả của việc quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp cố tình lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để trục lợi và trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước, người lao động và với đối tác.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, ông hoàn toàn ủng hộ tinh thần đổi mới, tư duy cải cách hành chính trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp như đề xuất của dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu nói, các điều khoản trong dự thảo luật rất thông thoáng, dễ dàng, thuận lợi nhưng không có chế tài pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp.
Đại biểu dẫn chứng thực tế, thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để thành lập doanh nghiệp nhằm mua bán hóa đơn, trốn thuế, lậu thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản Nhà nước thông qua hình thức hoàn thuế giá trị gia tăng… Hàng nghìn doanh nghiệp nợ thuế, nợ lương, nợ bảo hiểm của công nhân mà không thu hồi được. Tại các thành phố lớn, các doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực nhạy cảm như karaoke, quán bar, khách sạn… vi phạm pháp luật, bị xử phạt hành chính, họ tự giải thể. Nhưng, gần như ngay lập tức, tại địa điểm đó lại xuất hiện một doanh nghiệp mới với tên mới, kinh doanh cùng lĩnh vực đó, vẫn người chủ đó mà cơ quan quản lý không xử lý được. Hay thực tế có doanh nghiệp chỉ được lập ra để thực hiện một dự án rồi giải thể để tránh bị thanh tra, kiểm tra. Từ đó, đại biểu nêu câu hỏi: Trước đây, luật đã quy định chặt chẽ rồi mà còn bị lách luật, để lại hậu quả lớn như thế. Nay, luật lại nới lỏng hơn, thông thoáng hơn thì có quản lý được không? Đại biểu nhấn mạnh, đáp ứng nhu cầu thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là đúng, nhưng cũng cần đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước.
Trong dự thảo luật lần này cũng bổ sung một quy định mới về con dấu theo hướng cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, bảo đảm quyền tự do, tự chủ của doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế. Theo đề xuất của dự thảo luật, doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu với điều kiện nội dung con dấu phải thể hiện tên, mã số doanh nghiệp… Mẫu con dấu của doanh nghiệp được thông báo tới các cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đề xuất này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu, trong đó có đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (đại biểu tỉnh Lai Châu).
Tuy nhiên, cũng có đại biểu băn khoăn, quy định doanh nghiệp có quyền tự quyết định số lượng con dấu, số người đại diện của công ty TNHH hoặc công ty cổ phần cũng không bị hạn chế có thể dẫn tới tình trạng “nhiễu loạn” trong hoạt động của doanh nghiệp, trong quản lý nhà nước cũng như trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là khi phát sinh nhiều hậu quả pháp lý rắc rối như giải thể doanh nghiệp, tranh chấp…
Dự kiến, hai dự thảo luật, Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26-11 tới.
Quốc hội quyết mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 là 226.000 tỷ đồng
Với 88,13% số đại biểu biểu quyết tán thành, chiều 10-11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 được Quốc hội quyết là 226.000 tỷ đồng, tương đương 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 là 911.100 tỷ đồng. Nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 921.100 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 là 1.147.100 tỷ đồng.
|
CHIẾN THẮNG