Tăng băng thông nhưng không tăng giá

Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), lưu lượng chuyển qua trạm trung chuyển internet quốc gia tăng đến 40% trong thời gian vừa qua. Tại các khu vực chịu cách ly, phong tỏa, lưu lượng tháng 3-2020 tăng đột biến 90% so với tháng 2-2020. Để bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt, đặc biệt là chất lượng dịch vụ internet, Bộ TT&TT phát động toàn ngành TT&TT thực hiện chương trình cam kết đồng hành với người dân phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã hoàn thành việc nâng băng thông lên gấp hai lần nhưng không tăng giá cho toàn bộ khách hàng đang sử dụng dịch vụ internet cáp quang của Viettel trên toàn quốc. Chương trình này áp dụng cho tới khi Việt Nam công bố hết dịch. Ghi nhận thực tế về gói ưu đãi của nhà mạng này, chị Trần Ngọc Hà (Thạch Bàn, Long Biên) cho biết: “Tôi sử dụng gói ST30K của Viettel. Sau khi đăng ký thành công gói cước này, tôi nhận được tin nhắn từ tổng đài cho biết thuê bao của tôi được tặng thêm 50% lưu lượng data của gói cước ST30K. Tôi thấy việc tặng data của nhà mạng rất có ích bởi nhu cầu sử dụng internet của người dân trong thời gian này rất cao”.

Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tặng 50% dung lượng data cho thuê bao di động VinaPhone giá không đổi từ ngày 6-4 đến hết ngày 30-6-2020. Đối với dịch vụ internet, kể từ ngày hôm qua (9-4), VNPT sẽ nâng tốc độ internet các gói có tốc độ dưới 50Mbps lên 50Mbps nhằm gia tăng chất lượng đường truyền đáp ứng nhu cầu cho gia đình sử dụng trong thời gian giãn cách xã hội. Chương trình sẽ được áp dụng trong 3 tháng cho tất cả khách hàng sử dụng gói internet hoặc gói tích hợp internet-truyền hình của VNPT có tốc độ dưới 50Mbps.

Các kỹ sư tại Trung tâm chỉ huy của Tổng công ty CP Công trình Viettel vận hành mạng lưới viễn thông Viettel. Ảnh: TRẦN THỌ

Tương tự, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng điều chỉnh dung lượng các gói cước Mobile Internet tăng 50% dung lượng data mà vẫn giữ nguyên mức giá. 

Ngoài doanh nghiệp viễn thông, các nhà cung cấp dịch vụ internet như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC cũng đưa ra gói nâng cấp băng thông. Khách hàng sử dụng một trong 3 gói dịch vụ Giga-Standard, Giga-Superior và Giga-Platinum sẽ được nâng cấp băng thông trong nước lần lượt là 45Mbps lên 90Mbps, 70Mbps lên 120Mbps và 90Mbps lên 150Mbps;… Trong khi đó, Công ty Cổ phần FPT quyết định nâng miễn phí tổng băng thông hơn 60% cho các khách hàng. Chương trình của FPT kéo dài tới khi hết dịch trên cả nước.

Ưu đãi đặc biệt đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch

Đối với lực lượng ở tuyến đầu chống dịch và người dân thuộc khu cách ly, các doanh nghiệp viễn thông đều triển khai gói cước ưu đãi đặc biệt. Đối với cán bộ y tế, đội ngũ phục vụ công tác hậu cần, công an, quân đội, tình nguyện viên tại khu cách ly, Viettel tặng 2GB lưu lượng data tốc độ cao/ngày, miễn phí tất cả cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút và 50 phút gọi ngoại mạng/tháng. Đối với khách hàng tại các khu cách ly tập trung, Viettel tặng gói ưu đãi có thời hạn sử dụng trong 14 ngày gồm 3GB data tốc độ cao, miễn phí toàn bộ cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút. Về phía MobiFone, nhà mạng này cho biết đã trao tặng miễn phí tháng đầu tiên gói cước C120 cho những “khách hàng đặc biệt” là các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và lực lượng bộ đội, công an, tình nguyện viên... Với Vinaphone (VNPT), gói cước hỗ trợ chống dịch bao gồm 1.500 phút gọi nội mạng, 50 phút gọi ngoại mạng và 2GB data tốc độ cao/ngày…

Các trang mạng trong nước không bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp 

Tuy các nhà mạng đều tăng băng thông nhưng theo phản ánh từ người dùng mà chúng tôi ghi nhận được, đường truyền internet trong quá trình làm việc và học tập từ xa đôi lúc chưa ổn định, khiến cuộc làm việc ngắt quãng, nhất là trong thời gian từ đầu tháng 4 đến nay. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do ảnh hưởng của hệ thống cáp biển AAG bị sự cố trên nhánh S1 kết nối từ Việt Nam đi Hồng Công. Việc các nhà mạng tăng băng thông chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng internet đối với các dịch vụ trong nước. Còn đối với các dịch vụ như: Facebook, Gmail, YouTube, các ứng dụng làm việc và học tập trực tuyến đang được sử dụng phổ biến hiện nay như: Zoom, Microsoft Team… có máy chủ tại nước ngoài. Việc đứt cáp khiến các doanh nghiệp viễn thông bị sụt giảm đáng kể băng thông đi quốc tế, như: VNPT bị mất 1.140Gb, Viettel là 370Gb và FPT bị mất 550Gb.

Bên cạnh đó cũng còn nhiều nguyên nhân khiến đường truyền làm việc trực tuyến tại nhà kém hiệu quả. Các chuyên gia công nghệ chỉ ra một vài nguyên nhân như: Thứ nhất, đường truyền tại cơ quan, doanh nghiệp có gói cước và tốc độ cao hơn đăng ký ở hộ gia đình; hệ thống cung cấp internet cho doanh nghiệp cũng tân tiến và đắt tiền hơn. Khi làm việc tại nhà, nhiều người dùng không biết máy tính của mình bị nhiễm virus. Virus có thể sử dụng tín hiệu đường truyền internet và tài nguyên hệ thống cho mục đích khác khiến tốc độ kết nối mạng của máy bị chậm...

Thông tin từ Cục Viễn thông cho biết, ngay sau khi phát hiện sự cố đứt cáp AAG, nhiều phương án được triển khai nhằm điều chuyển lưu lượng internet sang hướng khác, như: Các tuyến cáp quang biển AAE1, APG, SJC, IA và các đường cáp quang trên đất liền nối đi quốc tế. Tuy nhiên, việc khắc phục sự cố thời điểm này khó khăn hơn bởi do ảnh hưởng của dịch Covid-19; việc triển khai các tàu chuyên dụng để khắc phục, chữa cáp đều đang bị hạn chế tối đa. Theo thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ internet Việt Nam, đối tác quốc tế thông báo kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố tuyến cáp AAG sẽ hoàn thành trước ngày 22-4. Cho đến khi sự cố được khắc phục xong, việc truy nhập internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ trở nên khó khăn hơn so với bình thường.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông khuyến nghị, thay vì sử dụng các ứng dụng làm việc và học tập của nước ngoài, người dùng có thể sử dụng các nền tảng phần mềm làm việc trực tuyến hay ứng dụng học tập trực tuyến do chính doanh nghiệp Việt Nam phát triển, như: Viettel Study, Vmeeet (Viettel), VNPT Meeting (VNPT), Mega Meeting (MobiFone), Vioedu (FPT), CMC Cloud… Các ứng dụng này có máy chủ đặt tại Việt Nam, chạy trên mạng cáp quang trong nước, không phụ thuộc vào các đường cáp quang biển quốc tế.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet cũng lưu ý người dùng trong thời gian chờ đợi khắc phục xong sự cố đứt cáp biển, người dân nên có những giải pháp phù hợp hơn trong việc sử dụng internet như hạn chế xem video, xem phim trực tuyến hay mạng xã hội của nước ngoài.

TRÀ MY