Chủ tịch nước Trương Tấn Sang-Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá rất cao vai trò của luật sư. Tuy hành nghề tự do, nhưng luật sư là những người tham gia bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ. “Không gươm, đao, súng, đạn nào bảo vệ được chế độ nếu không có công lý”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN 
Chủ tịch nước nói, thực tế cho thấy, phần lớn luật sư đều rất cố gắng, rèn luyện để giữ gìn phẩm chất, tư cách, hình ảnh, đạo đức luật sư; tuy nhiên cũng còn một bộ phận luật sư có tiêu cực, nhũng nhiễu khi hành nghề, làm phương hại đến hình ảnh của giới luật sư. Do vậy, việc xây dựng Đề án Phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư là cần thiết. “Mình có khuyết điểm thì phải nhận, nhận mới sửa được”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Từ năm 2009 đến tháng 9-2015, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhận được hơn 400 khiếu nại, tố cáo đối với luật sư, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến vi phạm đạo đức trong hành nghề luật sư. Đến hết năm 2015, các đoàn luật sư đã xử lý kỷ luật gần 100 trường hợp, trong đó có 35 luật sư bị xóa tên. Thực tế xử lý cho thấy, nhiều trường hợp có biểu hiện tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư, thể hiện dưới nhiều nhóm hành vi và ở các cấp độ khác nhau. Thậm chí có hiện tượng luật sư vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, bị khởi tố, xử lý hình sự do lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt tài sản.

 Thảo luận về Đề án Phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao nội dung của Đề án, nhưng cho rằng Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần gia cố để hoàn thiện thêm trước khi trình ký ban hành. Cụ thể, đề án cần “nhận diện” thật rõ ràng những biểu hiện tiêu cực và phân chia theo từng nhóm tiêu cực của luật sư khi hành nghề. Trên cơ sở đó mới xây dựng được những giải pháp cụ thể để phòng, chống hiệu quả cho từng nhóm tiêu cực. Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc phải làm sao để luật sư thực sự sống được bằng nghề luật sư...

CHIẾN THẮNG