Bên cạnh đó, sự chuẩn bị sẵn sàng của cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp (DN) cũng tạo thêm cơ hội để nền kinh tế tăng tốc khi thời cơ đến.
Phát huy năng lực sản xuất thích ứng với điều kiện mới
PCD Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, nhưng đồng thời phải kiên trì thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đây chính là mục tiêu kép có tương quan chặt chẽ với nhau; bởi không khống chế được dịch, rất khó để tổ chức SXKD. Ngược lại nếu vì khó khăn mà không xoay sở duy trì sản xuất thì về lâu dài sẽ thiếu nguồn lực cho công tác PCD, bảo đảm an sinh xã hội.
 |
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE, Hà Nội. Ảnh: VŨ DUNG |
Nhiều DN trên địa bàn đã nhanh chóng triển khai các phương án với mục tiêu cao nhất là bảo đảm chuỗi sản xuất. Điển hình như, Tổng công ty May 10, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, DN tiếp tục nhận được nhiều đơn hàng. Do vậy, việc bảo đảm duy trì năng lực sản xuất là yêu cầu sống còn của DN để giữ uy tín với khách hàng. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10: Để bảo đảm hoạt động của dây chuyền sản xuất, mục tiêu cao nhất của May 10 là bảo vệ sức khỏe của người lao động (NLĐ), cộng đồng và tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu PCD. DN đã tổ chức sản xuất theo phương thức “một cung đường, 2 điểm đến”. Hằng ngày, May 10 tổ chức đưa đón công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Đồng thời, tích cực tuyên truyền đến NLĐ trong việc tuân thủ nghiêm ngặt quy định PCD, không nói chuyện trong lúc làm việc, không tạt ngang, rẽ tắt trong nhà máy...
Theo yêu cầu Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23-7-2021 của UBND TP Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội để PCD, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đồng thời, sẵn sàng phương án, kịch bản duy trì sản xuất an toàn trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất. Tại nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Cơ điện TOMECO (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), các biện pháp PCD được công ty áp dụng giúp NLĐ vững tin, tập trung cho sản xuất. Trong đó, bộ phận gián tiếp đã được chuyển sang làm việc trực tuyến, bộ phận trực tiếp sản xuất thực hiện làm việc luân phiên để bảo đảm giãn cách. Công nhân khi đến nhà máy đều phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, bảo đảm giữ khoảng cách theo quy định. Bếp ăn phục vụ NLĐ được bố trí tấm chắn ngăn giọt bắn, định kỳ phun khử khuẩn toàn bộ nhà máy. Mọi chế độ của NLĐ, kể cả khi làm việc trực tuyến đều được duy trì đầy đủ.
Tiếp sức cho doanh nghiệp, người lao động
Một thực tế cần nhìn nhận là các đợt bùng phát dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay gây ảnh hưởng nặng nề lên phần lớn DN ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Các DN trên địa bàn Hà Nội cũng đối mặt với không ít thách thức. Theo khảo sát của Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, số DN rơi vào tình trạng rất khó khăn chiếm 11%; DN khó khăn, cần hỗ trợ chiếm 45%. Trước những khó khăn đó, DN rất cần được hỗ trợ, tiếp sức. Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội đánh giá: Nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn khá đồng bộ thời gian qua, chưa từng có ở Việt Nam. Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn có các chính sách tài khóa như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng. “Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN Việt Nam đặc biệt là DN Thủ đô”, ông Mạc Quốc Anh nhìn nhận.
Cùng với sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời, DN cũng kỳ vọng các chính sách này cần được triển khai càng nhanh càng tốt, sớm đến tay DN để tạo sức bật vượt khó. Muốn như vậy, theo ông Mạc Quốc Anh, cần cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục... Các khoản hỗ trợ này cần phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể, có sự giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách.
Bên cạnh thực hiện chính sách hỗ trợ chung của cả nước, ông Lê Văn Quân, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cho biết: Hà Nội đã ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, HĐND TP Hà Nội đã ban hành các nghị quyết hỗ trợ gần 500 tỷ đồng cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thành phố; rà soát, giãn, hoãn hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các DN.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tiếp tục triển khai quyết liệt các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và DN, đặc biệt đối với khách hàng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tiếp tục triển khai tích cực chương trình cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương và khôi phục sản xuất sau khi bị gián đoạn do dịch.
Đề cập đến các chính sách hỗ trợ SXKD trong thời gian tới, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Chính phủ nên đi trước trong xây dựng các kịch bản và tiếp cận theo nhóm đối tượng. “Có những DN, ngay cả khi chúng ta có hỗ trợ thì họ vẫn không thể tồn tại được, vẫn rút lui khỏi thị trường. Do vậy, nguồn lực sẽ bị lãng phí. Chúng ta phải ưu tiên hỗ trợ những DN có khả năng phục hồi, phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch”, ông Phan Đức Hiếu bày tỏ.
Để hoạt động SXKD có thể duy trì bền vững và hướng đến mục tiêu phát triển, giải pháp căn cơ được kỳ vọng nhất là triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Ông Phan Đức Hiếu nhìn nhận, vaccine chưa phải là tất cả nhưng là giải pháp tốt nhất hiện nay, chúng ta chậm vaccine là sẽ chậm cuộc chơi so với thế giới. Ngoài vaccine từ nguồn của Chính phủ cũng nên có cơ chế để DN tự tìm kiếm và chi trả để tiêm vaccine cho NLĐ.
Đón đầu những cơ hội mới
Chia sẻ về cơ hội thúc đẩy phát triển SXKD khi dịch bệnh được kiểm soát, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, đại dịch đi qua, nhu cầu về sản xuất lại tăng lên mặc dù sẽ chậm hơn so với thời điểm trước dịch bệnh. Những DN đã tham gia và bảo đảm được tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn sẽ có được đơn hàng của đối tác.
Với các DN xuất khẩu, hiện nay thị trường thế giới đang phục hồi, cùng với việc tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ giúp cho DN có lợi thế hơn nữa khi xuất khẩu hàng sang thị trường này. Số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá, Việt Nam có nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Âu, các thị trường bổ sung, hỗ trợ cho nhau giúp các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đều tăng mạnh. Sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu có thể xem là một trong những động lực của nền kinh tế thời gian tới.
Dù trong bộn bền khó khăn trước tác động của dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tạo được dấu ấn trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trong đó, năm 2020, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn nhất châu Á. Các ngành nghề khác như gỗ, da giày, thủy sản... cũng có nhiều cơ hội vượt lên so với các nước trong khu vực. Thử thách và cơ hội luôn song hành, chiến thắng dịch bệnh sẽ là điểm tựa để đất nước tiếp tục vươn xa, đặc biệt là từ những đầu tàu tăng trưởng của Thủ đô Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm.
Nhóm phóng viên Phòng BT KT-XH-NC
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP