Gắn sản phẩm đặc thù với du lịch nắng gió

Núi Tà Cú thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) là nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, lại cách biệt với khu dân cư. Nhưng nơi này đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với hệ thống cáp treo, resort, khu du lịch tâm linh, cảnh quan cũng được đầu tư khang trang, hiện đại. Bất chấp trời nắng gay gắt của tháng 6, tại những đồi cát nổi tiếng ở Mũi Né, Hòa Thắng (Bình Thuận), Nam Cương (Ninh Thuận) có rất đông du khách tới chụp ảnh, cắm trại, lái xe địa hình. Ngay cả thảo nguyên khô cằn ở xã Phước Trung (Bác Ái, Ninh Thuận) trước đây vốn rất hoang vắng cũng trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ bởi những trang trại cừu và điểm nghỉ dưỡng mô phỏng đời sống cư dân du mục.

Những cảnh quan độc đáo, cùng nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc: Chăm, Raglai, Churu đã và đang trở thành “đặc sản” của ngành du lịch khu vực Nam Trung Bộ. Hiện, tỉnh Bình Thuận có gần 400 dự án đầu tư du lịch với tổng số vốn gần 60.000 tỷ đồng trên tổng diện tích hơn 6.300ha. Ninh Thuận hiện có 61 dự án/1.986ha, tổng số vốn đăng ký đầu tư là gần 20.000 tỷ đồng. Riêng năm 2019, Ninh Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án với tổng vốn hơn 5.550 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Du lịch tham quan vườn nho ở trang trại Ba Mọi (Ninh Phước, Ninh Thuận). 

Ngoài ra, phát triển du lịch gắn kết với nông nghiệp và các làng nghề sản xuất nông lâm-ngư-nghiệp truyền thống mang tính đặc thù, cũng là lĩnh vực đang được đầu tư có hiệu quả ở Nam Trung Bộ. Giữa vùng đất khô cằn, gió cát mịt mù, khô nóng, các trang trại xanh mướt như những “ốc đảo” luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách. Nếu được đầu tư hợp lý, đây sẽ là mô hình rất có tiềm năng và mang lại giá trị kinh tế cao. Tại tỉnh Ninh Thuận, các vườn nho, táo, măng tây xanh, cánh đồng chăn cừu, làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp… và các cảnh quan đồng quê, đang trở thành những điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn. Nhiều mô hình du lịch đang trở thành thương hiệu nổi tiếng của Ninh Thuận, như: Làng nho Thái An (huyện Ninh Hải); các trang trại nho, táo (huyện Ninh Phước); vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn); du mục cánh đồng chăn cừu An Hòa (huyện Ninh Hải)…

Anh Quảng Ngọc Nhiên, chủ Khu du lịch văn hóa và sinh thái Sen Charaih Ninh Thuận, chia sẻ: “Lượng khách quan tâm tới du lịch nông nghiệp ngày càng lớn. Tại đây, du khách có thể tham quan hồ sen gắn với tìm hiểu văn hóa, ẩm thực của dân tộc Chăm”. Còn ông Nguyễn Văn Mọi, chủ Trang trại sản xuất nho Ba Mọi, huyện Ninh Phước lại háo hức: “Cây nho, táo, măng tây… nắng nhiều lại là điều kiện tốt để chúng sinh trưởng và cho quả chất lượng cao. Du lịch tham quan các vườn cây là một trong những kênh quảng bá hữu hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Ninh Thuận. Nó cũng giúp nông dân có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch, góp phần tăng giá trị kinh tế từ cây trồng vùng nắng”.

Xác định du lịch là kênh quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đang đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch nông nghiệp. Các địa phương cũng tăng cường liên kết giữa các công ty du lịch và nhà vườn, khuyến khích, hỗ trợ mô hình khởi nghiệp du lịch nông nghiệp, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm đặc thù để phù hợp với điều kiện khô hạn. Ngành du lịch cũng tiếp tục khảo sát, tổ chức các tour, tuyến, điểm du lịch phù hợp với từng sản phẩm nông nghiệp đặc thù, tiến tới phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững theo mô hình “du lịch nông nghiệp-du lịch trang trại”, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết.

leftcenterrightdel
Trồng sen phục vụ du lịch ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước, Ninh Thuận).

Thủ phủ năng lượng sạch của cả nước

Bình Thuận, Ninh Thuận là các địa phương có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời thuộc loại cao nhất cả nước, rất phù hợp, thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời (ĐMT). Đến những vùng đất vốn dĩ hoang hóa của các huyện: Thuận Bắc, Thuận Nam (Ninh Thuận), Tuy Phong, Bắc Bình (Bình Thuận), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay kỳ diệu bởi có nhiều công trình điện năng lượng mặt trời, điện gió quy mô lớn. Tỉnh Ninh Thuận đã cấp phép chủ trương đầu tư cho hơn 40 dự án ĐMT, điện gió với tổng vốn đầu tư hơn 72.200 tỷ đồng. Theo bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Văn phòng Phát triển kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận: Hiện có gần 20 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất 1.180MW, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nâng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và cải thiện đời sống một bộ phận người dân.

Theo quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận có 5 khu vực với diện tích 21.432ha để phát triển ĐMT với tổng công suất khoảng 1.429MW. Ông Vũ Đình Tân, Tổng giám đốc Dự án ĐMT Trung Nam tại huyện Thuận Bắc cho rằng, việc kết hợp phát triển năng lượng mặt trời với nông nghiệp giúp cải tạo môi trường, làm giảm tối đa bụi trên các tấm pin, giúp tiết kiệm chi phí bảo trì và nâng cao hiệu suất phát điện. Tập đoàn Trung Nam đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh tiến hành đánh giá, nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng cho thấy khu vực này phù hợp với các loại cây dược liệu, cây trồng cạn có khả năng chịu hạn cao.

Tỉnh Bình Thuận cũng lập quy hoạch phát triển điện gió, ĐMT giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến năm 2030, dự kiến công suất lắp đặt điện gió tích lũy ở đây đạt khoảng 2.500MW. Hiện, Bình Thuận có hơn 40 vị trí quy hoạch đưa vào danh mục thu hút dự án ĐMT, với nhu cầu sử dụng đất khoảng 7.730ha, trong đó tập trung nhiều nhất là ở khu vực Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân… Toàn tỉnh có hơn 100 dự án ĐMT với tổng công suất đăng ký đầu tư hơn 5.133MW, trong đó 23 dự án đã vận hành, công suất đạt 1.286,8MWp. Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có thể thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà máy năng lượng mặt trời tổng công suất hơn 4.000MW.

Thu hút đầu tư vào tiềm năng, thế mạnh

Khô hạn kéo dài và ngày càng khắc nghiệt là thách thức lớn với các tỉnh Nam Trung Bộ. Những năm gần đây, các địa phương đã xác định tâm thế “sống chung” với khô hạn bằng các chiến lược, chính sách phát triển KT-XH phù hợp trên cơ sở 3 trụ cột: Công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng tái tạo-điện gió ngoài khơi; du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các địa phương cũng có giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách, tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp có tiềm năng và lợi thế, phù hợp với điều kiện và thực tiễn sản xuất trong giai đoạn 2021-2025, bảo đảm giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng 6-7%/năm, giá trị sản xuất tăng 7-8%/năm.

Bên cạnh đó, các địa phương luôn khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, đưa thành tựu khoa học-công nghệ mới, công nghệ cao gắn với đào tạo nghề cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm. Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói rằng: “Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh, gắn với các cụm liên kết ngành hàng theo chuỗi giá trị. Như vậy sẽ giúp kinh tế địa phương phát triển nhanh và thích nghi tốt với điều kiện khô hạn. Tỉnh cũng đang kêu gọi đầu tư để đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, hạn chế thấp nhất tỷ lệ đất bỏ trống do hoang hóa”.

NHÓM PHÓNG VIÊN CƠ QUAN ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

(còn nữa)