(Tiếp theo và hết)
QĐND -
Kinh nghiệm phát triển của nhiều nước và từ thực tiễn phát triển của Việt Nam cho thấy, tổ chức sản xuất công nghiệp tập trung tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đã thật sự mang lại nhiều hiệu quả to lớn cả về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Thành công của công nghiệp hóa-hiện đại hóa gắn liền với sự hình thành và phát triển của các KCN, KKT. Vấn đề cấp bách hiện nay là phải thay đổi mô hình, hướng đi để các KCN, KKT thực sự phát triển bền vững.

Quy hoạch phải đi trước một bước

kiến của nhiều chuyên gia, trước hết không để kéo dài tình trạng phát triển các KCN quá “nóng” mang tính “phong trào”. Việc xây dựng quy hoạch phải đi trước một bước so với yêu cầu thực tiễn. Để thực hiện điều này, công tác xây dựng quy hoạch cần được hoạch định cho những thời kỳ đủ dài để có những dự tính mang tính chất chiến lược.

Công nhân sản xuất tại Công ty Giày Á Châu (KCN Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hùng Khoa

 

Việc bố trí các KCN, KKT gần các đô thị lớn và các khu dân cư tập trung thời gian qua đã thể hiện nhiều điểm bất cập (ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông...). Do vậy, trong công tác quy hoạch phát triển KCN, KKT cần xác định rõ những vị trí có thể xây dựng các KCN, KKT cũng như những ngành nghề cụ thể được phép đầu tư vào những vị trí này. Các KCN, KKT không nên bố trí quá gần các tuyến giao thông huyết mạch và phải bảo đảm không ảnh hưởng tiêu cực tới sự tồn tại bền vững của các nguồn tài nguyên thiên nhiên (nguồn nước, nguồn tài nguyên rừng, cảnh quan thiên nhiên...).

Đồng chí Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Thực hiện Đề án Tái cấu trúc kinh tế TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020 và Quy hoạch đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung xây dựng các KCN chuyên ngành, di dời những ngành có giá trị thấp, đòi hỏi nhiều nguồn nhân lực phổ thông đến các địa phương có lợi thế. Mới đây, Thành phố đã triển khai xây dựng khu kỹ nghệ đầu tiên-Khu kỹ nghệ cao Việt-Nhật ở huyện Nhà Bè chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp công nghệ cao của Nhật Bản đầu tư.

Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng

Tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đưa ra 10 định hướng lớn xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó có định hướng phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT: “Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng KCN, KKT… Đến năm 2020, hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng trong các KCN, KKT, đặc biệt là các công trình hạ tầng xã hội và xử lý nước thải, rác thải”.

Thực hiện định hướng nói trên, các địa phương cần xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong các KCN, KKT hiện có. Xúc tiến đầu tư vào KCN, KKT theo trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các đối tác tiềm năng. Xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT đúng tiến độ, theo quy hoạch được duyệt và bảo đảm hiệu quả sử dụng đất. Đa dạng hóa các hình thức huy động những nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT.

Đà Nẵng là một trong những địa phương đã làm tốt công tác xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các KCN, KKT. Ông Phạm Nhật Phi, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng đánh giá: Đà Nẵng xác định việc phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội là một trong những khâu đột phá, tạo đà cho phát triển TP Đà Nẵng nói chung và các khu công nghiệp của Đà Nẵng nói riêng. Vì vậy, Đà Nẵng đã có các chính sách hiệu quả nhằm thu hút mọi nguồn lực của Nhà nước, các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông huyết mạch, như nâng cấp cảng biển Tiên Sa, sân bay quốc tế Đà Nẵng, hầm đường bộ Hải Vân, Quốc lộ 1A đoạn đi qua Đà Nẵng, đường ven Biển Sơn Trà-Hội An... Ngoài ra, các hạ tầng công nghệ, viễn thông, năng lượng, cấp thoát nước; các dịch vụ hỗ trợ, như ngân hàng, y tế, đào tạo... đã được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng theo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Kiên quyết loại bỏ các KCN, KKT kém hiệu quả

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Phát triển các KCN, KKT mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các địa phương và các ngành kiên quyết cắt giảm những phần diện tích và loại bỏ các KCN, KKT không hiệu quả, không thu hút được dự án, đồng thời thực hiện đẩy nhanh tỷ lệ lấp đầy, nâng hiệu quả hoạt động của các KCN, KKT.

Cũng tại cuộc họp này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung cùng các địa phương tiếp tục thực hiện việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch để báo cáo Chính phủ; đồng thời thực hiện nghiêm việc đưa dự án đầu tư vào khu vực đã xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các địa phương thực hiện việc rà soát, đánh giá tình hình thực hiện cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT. Đánh giá việc thực hiện quy hoạch, thành lập, hoạt động của các KCN, KKT ở các địa phương và đề xuất biện pháp xử lý đối với các KCN, KKT hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường. Đánh giá và kịp thời có biện pháp giải quyết các vướng mắc về sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách ưu đãi đầu tư đối với KCN, KKT. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN, KKT.

Theo các chuyên gia kinh tế, để các KCN, KKT ở Việt Nam phát triển bền vững, bên cạnh việc thực hiện tốt quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, rất cần việc cải cách hành chính. Cần thực hiện việc phân cấp, ủy quyền để các ban quản lý KCN, KKT có thể triển khai thủ tục hành chính đầy đủ theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”. Chính sách ưu đãi đầu tư và thuế thu nhập cho các doanh nghiệp đầu tư vào KCN, KKT thuộc địa bàn khó khăn cần phải nhất quán, rõ ràng để thu hút và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

PHÚ THỌ - TIẾN DŨNG - TRUNG KIÊN

Bài 1: Đầu tàu phát triển kinh tế-xã hội đất nước

Bài 2: Những khó khăn và thách thức mới