Tăng nguồn cấp cho các đảo-yêu cầu cấp thiết
Kể từ khi có điện lưới quốc gia vào năm 2013, từ một huyện đảo nghèo, Cô Tô đã vươn mình trở thành huyện đảo du lịch nổi tiếng. Trên đảo, các công trình kiến trúc cao tầng kiên cố, nhà nghỉ, khách sạn mọc lên san sát; cùng với đó là việc mở rộng cầu cảng, bến tàu, bến xe… Cô Tô dự kiến đến năm 2020 sẽ thu hút ổn định khoảng 100.000 lượt khách/năm, doanh thu du lịch đạt 150-200 tỷ đồng/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành du lịch khoảng 25%/năm.
Không chỉ Cô Tô hoàn toàn “thay da đổi thịt” mà đến nay đảo Lý Sơn, Phú Quốc, Cù Lao Chàm, Hòn Tre, Vân Đồn, Cát Hải, Lý Sơn, Phú Quý, Bạch Long Vĩ… cũng trở thành các điểm du lịch nổi tiếng kể từ khi có điện. Báo cáo của nhiều huyện đảo cho biết, lượng khách du lịch đến các đảo tăng đột biến qua các năm, cùng với hoạt động đầu tư, sản xuất khác cũng tạo sức ép lớn trong cung cấp điện. Nhiều nơi, hiện trạng của hệ thống điện hiện không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện.
 |
Tháng 9-2014, tuyến cáp ngầm 22kV xuyên biển cấp điện lưới quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được khánh thành sau 5 tháng thi công. Ảnh: TRUNG PHƯƠNG |
Trước thực trạng này, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành cho biết: Để thực hiện mục tiêu cung cấp điện liên tục ổn định và không hạn chế đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và dịch vụ, sản xuất, bảo đảm việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, EVN đang nỗ lực tìm kiếm nguồn đầu tư, mở rộng nguồn cấp cho các đảo. Mới đây, ngày 27-9, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 2944/QĐ-BCT phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) với tổng mức đầu tư dự án hơn 201 tỷ đồng. Đảo Bạch Long Vĩ được đánh giá là nơi có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh biển của nước ta. Do đó, việc bổ sung lắp đặt một turbine gió, lắp đặt các tấm pin mặt trời, lắp đặt hai máy phát diesel, hệ thống ắc quy lưu trữ, xây dựng hệ thống đường dây… trên đảo Bạch Long Vĩ là hết sức cần thiết và đang được thực hiện sớm.
EVN cũng cho biết, đơn vị đang có kế hoạch triển khai các dự án cấp điện bằng lưới điện quốc gia và tăng nguồn tại chỗ, gồm: Từ năm 2019, tiếp tục đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời với công suất 1MWp và hệ thống pin tích năng lượng trên đảo Phú Quý; dự kiến đến năm 2020, sẽ tiếp tục tăng công suất phát diesel thêm 1.500kW và bổ sung thêm 3MW nguồn phát điện từ năng lượng mặt trời tại Côn Đảo; dự kiến, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đầu tư cấp điện cho đảo Trần bằng điện lưới trong năm 2020 với chi phí 300 tỷ đồng hay tại xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) với 500 hộ dân, dự án cấp điện bằng cáp ngầm 9km cấp điện áp 22kV và 3km đấu nối hai đầu dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Suất vốn đầu tư 700 triệu/hộ, sử dụng nguồn vốn Liên minh châu Âu, dự kiến hoàn thành năm 2020-2021. Cùng với đó, kế hoạch xây dựng dự án cấp điện cho huyện đảo Cồn Cỏ từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm với tổng mức đầu tư khoảng 154 tỷ đồng cũng đang được các đơn vị chuẩn bị…
Cấp bách tháo gỡ về nguồn vốn
Theo Trưởng ban Kinh doanh EVN Nguyễn Quốc Dũng: Ngành điện đang được giao thực hiện mục tiêu hầu hết 100% số hộ dân có điện vào năm 2020. Đến hết tháng 6-2019, đã có 99,47% số hộ dân tương đương với 27,41 triệu hộ có điện. Mặc dù tỷ lệ số hộ dân cần cấp điện chưa tới 0,5% nhưng đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Do phần lớn các hộ dân chưa có điện đều ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, sống không tập trung; suất đầu tư lớn, không hiệu quả về tài chính; công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai công tác điện khí hóa nông thôn cũng còn nhiều khó khăn. Theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, tổng vốn của chương trình cấp điện là hơn 36.000 tỷ đồng. Theo cân đối, nhu cầu vốn cho chương trình trong giai đoạn 2016-2020 là hơn 25.000 tỷ đồng, trong khi đó nguồn vốn thu xếp được cho chương trình khoảng 5.000 tỷ đồng và hiện còn hơn 20.000 tỷ đồng chưa có nguồn vốn để thực hiện.
Ngoài khó khăn về vốn, Trưởng ban Quản lý đầu tư EVN, ông Lê Thành Chung cho rằng, trở ngại rất lớn hiện nay là thủ tục đầu tư xây dựng phức tạp; quy trình thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án kéo dài dẫn đến chậm trễ tiến độ các dự án theo kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do nhiều dự án được thực hiện trong giai đoạn chuyển tiếp các luật nên quy định trong công tác đầu tư xây dựng, nhiều thủ tục liên quan thay đổi phức tạp hơn và đôi khi không rõ ràng. Cùng với đó, tình trạng chồng chéo, chưa thống nhất của rất nhiều quy định pháp luật vẫn còn phổ biến; trong đó có quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về điện nông thôn giai đoạn 2016-2020, theo Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, rất cần sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ; sự quyết tâm, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đồng thời, Việt Nam cũng rất cần sự hỗ trợ qua các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng quốc tế. Theo đó, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối bố trí vốn Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 để thực hiện được mục tiêu của Chương trình “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013-2020” theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành làm việc với các tổ chức quốc tế, tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi và có chính sách của Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho EVN và các tổng công ty điện lực để thực hiện các dự án đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn đáp ứng được mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị UBND các tỉnh ưu tiên bố trí vốn ngân sách hằng năm của tỉnh để thực hiện đầu tư cấp điện cho các hộ chưa có điện khi ngân sách Trung ương chưa bố trí vốn, lồng ghép các nguồn vốn như Chương trình 30a, Chương trình 135... để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới vì các dự án này mang tính công ích, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội nên không thể vay vốn thương mại để đầu tư.
Đáng chú ý, để giải quyết vấn đề về vốn cho các dự án đưa điện ra đảo, EVN cho rằng do việc thiết kế, thi công các công trình trên biển đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, việc cung cấp thiết bị mang tính đơn chiếc, đòi hỏi kỹ thuật cao, ít nhà thầu trên thế giới thực hiện được, có ít sự lựa chọn, dẫn tới vốn đầu tư lớn. Để giải quyết khó khăn này, EVN kiến nghị có cơ chế đặc thù khuyến khích mọi thành phần kinh tế tự nguyện tham gia cấp điện biển, đảo từ huy động nguồn vốn, đến quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, đến chính sách lao động tiền lương, ứng phó với thiên tai, gió bão. Cùng với đó, chi phí đầu tư, cải tạo, quản lý vận hành các nguồn và lưới điện trên các đảo được tách bạch sang chi phí hoạt động công ích, nhằm minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.
Điện phải “đi trước một bước” là định hướng và cũng là nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đặt ra cho ngành điện. Bởi công nghiệp năng lượng được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất trong toàn bộ cơ cấu hạ tầng sản xuất. Có dịch vụ điện tốt, chất lượng điện ổn định thì các địa phương mới thu hút được vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ trên thì trách nhiệm chỉ riêng EVN là chưa đủ, điều này cần phải phụ thuộc vào chính sách, luật pháp và các biện pháp quản lý của Việt Nam. Cùng với đó, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm quyền lợi cho các chủ đầu tư cũng như ngành điện, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền.
GIA MINH - VŨ DUNG