Giải pháp hỗ trợ “phản ứng nhanh”

Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các DN nói chung, của ngành hàng không nói riêng, từ tháng 2-2020, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã báo cáo Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy và tạo động lực cho các DN phục hồi, phát triển. Trên cơ sở đó, ngày 8-4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, trong đó có nhóm đối tượng là các DN vận tải hàng không, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải. Nghị định có hiệu lực, giúp các DNHK giảm áp lực rất lớn về nghĩa vụ nộp thuế, tiền thuê đất. Cùng với đó, các lĩnh vực như dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch… cũng được hỗ trợ nên có thêm nguồn lực phục hồi hoạt động, gián tiếp kích cầu cho dịch vụ hàng không.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đề xuất Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền giảm một số loại phí, lệ phí là chi phí đầu vào của SXKD. Bộ Tài chính cũng ban hành nhiều thông tư để giảm một số loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền, như: Giảm 20% mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm với máy bay và thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng, cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; giảm 10% phí khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay...

Tra nạp nhiên liệu bay tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: ĐỖ HÙNG.

Bộ GTVT cũng có nhiều chính sách tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các HHK liên quan đến việc sử dụng slot (lượt cất-hạ cánh) tại các cảng hàng không. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng không, triển khai công tác quản lý giám sát vận tải hàng không trên cơ sở trực tuyến, tăng tính linh hoạt trong việc ra quyết định hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục... Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kêu gọi các DN ngành hàng không Việt Nam tiếp tục phát huy sáng tạo, sự nỗ lực, tinh thần chia sẻ, đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu tiếp thu mọi ý kiến, kiến nghị để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các DNHK nói chung và các HHK Việt Nam nói riêng phục hồi, phát triển SXKD trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định SXKD, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tiến hành các giải pháp này, giúp các DN, trong đó có DNHK, được tiếp sức phục hồi SXKD.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã giảm 7 loại phí dịch vụ cho các HHK, như: Giảm 50% dịch vụ dẫn máy bay, 10% dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất. Đối với dịch vụ thuê văn phòng đại diện, các HHK dừng bay sẽ được miễn 100%, các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định là 30%.

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Nhiên liệu bay là một trong những yếu tố đầu vào chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí của các HHK. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang tích cực xây dựng dự thảo nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay theo hướng giảm thuế để Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách này nếu được ban hành kịp thời, với mức giảm hợp lý sẽ là động lực không nhỏ, trực tiếp giảm chi phí cho các HHK. Theo lý giải của Bộ Tài chính, trước tình hình khó khăn của DN vận tải hàng không do dịch Covid-19, việc sử dụng công cụ thuế, trong đó có miễn, giảm thuế là một trong các giải pháp cần thiết để Chính phủ hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng tài chính cho DN.

Thực tế, dù số chuyến bay vận chuyển hành khách, hàng hóa đã bị cắt giảm rất nhiều, nhưng các HHK vẫn phải duy trì chi phí để vận hành hệ thống, đội bay. Do đó, việc điều chỉnh giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần trực tiếp hỗ trợ DNHK bớt khó khăn; giảm giá thành dịch vụ, kích thích nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, qua đó duy trì hoạt động, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch Covid-19 cho ngành hàng không; góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng lao động, hạn chế tình trạng cắt giảm lao động. Về lâu dài, khi ngành hàng không vượt qua khủng hoảng và phát triển thì có thể lượng lao động trong ngành sẽ tăng lên.

Dự thảo nghị quyết đề xuất giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít là bảo đảm các nguyên tắc điều chỉnh mức thuế BVMT quy định tại Luật Thuế BVMT. Theo phương án này, giá nhiên liệu bay chưa bao gồm thuế VAT giảm 900 đồng/lít, giá nhiên liệu bay sau thuế VAT giảm 990 đồng/lít. Việc giảm thuế BVMT với nhiên liệu bay sẽ làm số thu BVMT giảm khoảng 72-80 tỷ đồng/tháng.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, với kế hoạch khai thác hiện tại cho mạng bay nội địa, lượng nhiên liệu tiêu thụ trong 7 tháng cuối năm 2020 của tổng công ty dự kiến từ 184,1 triệu lít đến 310,4 triệu lít nhiên liệu bay, tương ứng thuế BVMT phải nộp từ 552,3 tỷ đồng đến 931,2 tỷ đồng. Nếu thuế BVMT giảm 30% so với mức hiện hành, Vietnam Airlines giảm được từ 165,6 tỷ đồng đến 279,3 tỷ đồng chi phí thuế BVMT phải nộp. Tổng công ty đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước giảm 100% mức thuế BVMT hiện hành trong thời gian từ ngày 1-3 đến 31-12-2020. Nếu được chấp thuận, Vietnam Airlines sẽ giảm từ 682,2 tỷ đồng đến 1.103 tỷ đồng chi phí, qua đó giảm lỗ, giảm áp lực về dòng tiền thanh toán.

Theo HHK Bamboo Airways, trong 7 tháng cuối năm, hãng dự kiến sử dụng khoảng 77 triệu lít nhiên liệu bay, với mức thuế hiện hành, hãng sẽ phải nộp số tiền thuế BVMT dự kiến xấp xỉ 251 tỷ đồng. Nếu giảm 30% mức thuế BVMT, số tiền được giảm với Bamboo Airways khoảng 76 tỷ đồng. Đây là mức giảm không lớn đối với một HHK, tuy nhiên sẽ góp phần hỗ trợ hãng có thêm nguồn lực hoạt động và phục hồi sau dịch Covid-19.

Góp ý vào dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT với nhiên liệu bay, Hiệp hội DNHK Việt Nam kiến nghị, cần giảm ít nhất xuống mức 1.500 đồng/lít, tương đương với 50% mức thuế hiện hành. Mức giảm này vẫn thấp hơn so với một số nước, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh kích cầu ngành du lịch, ngành hàng không cần tích cực tham gia và hỗ trợ chủ trương này bằng cách giảm giá vé và nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc giảm thuế như trên sẽ giúp các DNHK thực hiện nhiệm vụ này dễ dàng hơn.

Cùng với các giải pháp đã có và đề xuất giảm thuế BVMT với nhiên liệu bay đang được cân nhắc, cũng cần xem xét các giải pháp hợp lý để tăng vốn điều lệ cho các DNHK, tạo điều kiện để các DNHK dễ dàng tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi... Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội cho phép cấp bù lãi suất cho HHK như đang áp dụng đối với ngân hàng chính sách. Theo PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, trong khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009, Chính phủ đã hỗ trợ lãi suất cho vay trung và dài hạn với mức 4%/năm cho các doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 gây thiệt hại gấp nhiều lần khủng hoảng tài chính, Chính phủ càng cần hỗ trợ lãi suất nhiều hơn, chọn lọc và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Như với ngành hàng không có thể hỗ trợ 5-6%, thậm chí toàn bộ lãi suất trong 2-4 năm để giúp ngành này phục hồi mạnh mẽ. Với vai trò quan trọng và tính đặc thù, các DNHK rất cần những biện pháp hỗ trợ vừa trước mắt, vừa lâu dài để tránh tác động tiêu cực với nền kinh tế nước nhà. Hỗ trợ các DNHK cũng có nghĩa là gián tiếp hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế; đồng thời tránh sự đổ vỡ của ngành công nghiệp quan trọng mà nước ta đã phải tốn rất nhiều tài lực để xây dựng, phát triển.

"Sau cơn mưa trời lại sáng". Hy vọng rằng, cùng với sự kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, cùng với ngành hàng không các quốc gia khác, các HHK Việt Nam sẽ vượt qua cơn bĩ cực, sớm phục hồi, tăng trưởng trở lại.

CHIẾN THẮNG - MẠNH HƯNG