QĐND - Làm thế nào để nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật đang là câu hỏi lớn đặt ra đối với cơ quan lập pháp. Đó cũng là sự trăn trở của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Bám sát cuộc sống, lắng nghe dân, đổi mới quy trình xây dựng, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật… là những ý kiến trả lời của các chuyên gia pháp luật và đại biểu Quốc hội về câu hỏi trên.
Đổi mới quy trình xây dựng
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 4 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải đổi mới quy trình soạn thảo, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật.
Từ thực tế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vừa ra đời đã bị phản ứng, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội phải sửa đổi, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đề nghị việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp có vai trò rất quan trọng trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh để bảo đảm tính khả thi. Về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lý giải: “Việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp cần quy định bắt buộc. Ví dụ, ở Luật Tạm giữ, tạm giam đối tượng chịu tác động trực tiếp là cơ quan giam giữ, cần phải có văn bản của những người đang làm công tác giam giữ, để họ cho biết những chính sách đó họ thi hành được không. Cùng với đó, phải lấy ý kiến đối tượng bị giam giữ, khi hỏi cung có cần phải ghi âm không, có cần phải ghi hình không và các quyền khác của họ”-bà Nga dẫn chứng.
 |
Một phiên họp thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
|
Theo đại biểu Nguyễn Công Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, báo cáo đánh giá tác động của văn bản sẽ ban hành rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế nếu như không có quy định về quy trình, phương pháp, phạm vi, nội dung của báo cáo đánh giá tác động thì rất dễ dẫn đến bệnh hình thức, khó bảo đảm tính khách quan và toàn diện đối với văn bản.
Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan trình văn bản và cơ quan thẩm tra đối với văn bản, dự thảo luật quy định cơ quan thẩm tra không thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khi chưa đầy đủ các tài liệu trong hồ sơ. Ông Nguyễn Công Hồng đề xuất: “Cần quy định cơ quan thẩm tra có quyền từ chối thẩm tra dự thảo khi cơ quan trình không làm đúng tiến độ. Ngày mai họp thẩm tra về văn bản mà hôm nay mới có văn bản trình thì rất khó làm việc, không có thời gian để cơ quan thẩm tra nghiên cứu”.
Một số đại biểu Quốc hội chuyên trách lưu ý, hai khâu “thẩm định”, “thẩm tra'' trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết, nhưng nếu như ngay từ những công đoạn đầu tiên của quá trình soạn thảo, chúng ta đã chưa làm tốt công tác cải thiện chất lượng dự thảo, thì 2 bộ lọc “thẩm định”, “thẩm tra” cũng khó cải thiện được toàn diện. Vì vậy phải nâng cao chất lượng khâu soạn thảo, gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan soạn thảo với chất lượng văn bản, trong đó cần phải tiến hành các hoạt động phân tích chính sách theo một quy trình có tính khoa học, thông qua cơ chế phân tích chi phí/lợi ích hoặc đánh giá tác động (RIA), cùng cơ chế tham vấn ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động.
Lắng nghe dân để đưa ra luật phù hợp
Những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong thời gian qua và kinh nghiệm quốc tế đã khẳng định rằng, khi nào chính sách dựa trên cách làm chủ quan, duy ý chí, không dựa vào thực tiễn đời sống, không hợp với nguyện vọng của nhân dân, khi đó việc thực thi chính sách sẽ gặp thất bại. Vì thế, muốn xây dựng được văn bản quy phạm pháp luật có tính khả thi, quy trình xây dựng chính sách, pháp luật phải dựa trên nền tảng thực tiễn. Điều đó có nghĩa là những người soạn thảo, thẩm tra các văn bản này phải lắng nghe dân. Khâu đầu tiên trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải là điều tra, khảo sát xã hội (hay còn gọi là tổng kết thực tiễn). Đây là công việc cần được tiến hành một cách công phu, bài bản, theo quy trình khoa học chặt chẽ chứ không chỉ đơn thuần dựa trên các báo cáo hành chính từ dưới lên như lâu nay không ít cơ quan vẫn đang tiến hành. Tất nhiên, đi kèm với đó, các cơ quan soạn thảo hoặc chủ trì soạn thảo cần có sự đầu tư một cách phù hợp về ngân sách, con người (nhất là trí tuệ của các chuyên gia) để thực hiện công việc rất phức tạp và khó khăn này.
Hiện nay, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII (dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20-5 tới đây), các đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương đang tổ chức việc tiếp xúc với cử tri. Việc lắng nghe ý kiến của cử tri để các đại biểu Quốc hội đóng góp xây dựng các dự án luật là hết sức cần thiết. Để các dự án luật bám sát thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích cho người dân, cử tri của nhiều địa phương đề nghị: Việc lấy ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng các văn bản luật phải thực chất chứ không hình thức. Luật áp dụng luật vào thực tiễn nếu có điểm không phù hợp cần phải xem xét điều chỉnh nhanh chóng.
Thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội. Trong thời gian tới, do phần lớn đại biểu Quốc hội vẫn hoạt động không chuyên trách, số lượng dự án luật được xem xét, thông qua tại mỗi kỳ họp Quốc hội ngày càng nhiều và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao nên việc thẩm tra toàn diện, khoa học, hiệu quả, đúng pháp luật và có chất lượng càng có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng của dự thảo được xem xét, thông qua. Trong quá trình thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, các cơ quan của Quốc hội cần tập hợp và sử dụng có hiệu quả các chuyên gia ở từng lĩnh vực trong các ngành và các địa phương nhằm giúp cho việc thẩm tra đạt kết quả cao hơn.
Bài, ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ
Bài 1: Bước tiến dài trong xây dựng pháp luật
Bài 2: Những bất cập trong quy trình xây dựng pháp luật