Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tăng rất cao (như than, khí, dầu...), việc sử dụng điện tiết kiệm càng cần thiết và hết sức có ý nghĩa, góp phần giảm chi phí cho hệ thống điện quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hoạt động hiệu quả nhờ tiết kiệm năng lượng
Công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ nhiều điện năng nhất trong cơ cấu nền kinh tế, chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ điện. Đây cũng là lĩnh vực được dự báo còn nhiều dư địa tiết kiệm năng lượng, với khoảng 20-30%. Đây là con số có ý nghĩa lớn trong bối cảnh việc đầu tư các dự án điện gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Ngoài ra, với doanh nghiệp (DN) công nghiệp, tiết kiệm điện đồng nghĩa là tiết giảm được chi phí sản xuất, giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm, ông Đào Trung Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc cho biết, DN là đơn vị chuyên sản xuất gạch ốp lát và sản xuất các nguyên liệu cung cấp cho các công ty sản xuất gạch ốp lát, là khách hàng lớn của ngành điện tại Vĩnh Phúc với sản lượng điện tiêu thụ hơn 34,5 triệu kWh/năm 2021. Để sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm công ty đã bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm (11 giờ 30 phút-15 giờ 30 phút và 20 giờ-23 giờ); hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải. Phân công cho trưởng các tổ sản xuất chịu trách nhiệm giám sát, điều hành trong việc tiết giảm phụ tải ở các dây chuyền sản xuất. Đối với khối văn phòng làm việc, công ty quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân viên thực hiện tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, hạn chế bớt số lượng đèn chiếu sáng chung ở hành lang vào buổi tối...
 |
Công nhân Công ty Điện lực Lai Châu tư vấn giải pháp tiết kiệm điện cho doanh nghiệp sản xuất chè tại huyện Tân Uyên. |
Nhìn ở góc độ khác, việc sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả còn do tình trạng thiết bị máy móc, công nghệ lạc hậu, khiến tỷ lệ hao hụt năng lượng lớn khi vận hành. Thời gian qua, nhiều DN cũng đã tập trung đầu tư cho khoa học, công nghệ, tối ưu hóa sản xuất. Điển hình như câu chuyện tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. DN này đã đầu tư dây chuyền hiện đại tận dụng mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện than cốc, luyện gang để nâng cao hiệu suất phát điện, tiết kiệm chi phí sản xuất tại các khu liên hợp. Theo đó, tổng lượng điện phát của các nhà máy điện nhiệt dư thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đạt hơn 2,4 tỷ kWh/năm 2021, tương đương khoảng 3.900 tỷ đồng. Điều này đã giúp các khu liên hợp sản xuất gang thép của Hòa Phát tự chủ được 70-80% lượng điện cho sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, giải pháp này còn góp phần giảm tải áp lực điều độ hệ thống điện lưới quốc gia, nhất là những tháng nắng nóng cao điểm.
Xác định đầu tư các giải pháp cho tiết kiệm điện là góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động của DN, bà Phạm Thị Thúy Nhuận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt Hà Nam cho biết, thời gian qua, công ty đã thuê tư vấn để đánh giá thiết bị sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; lắp thêm máy biến tần và hệ thống có động cơ điện để giảm điện năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, công ty đầu tư 90 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Nhờ đó, giảm được khoảng 7 triệu kWh/năm, tương đương khoảng 12 tỷ đồng.
Cần luật hóa việc bắt buộc tiết kiệm năng lượng
Năng lượng không phải là nguồn tài nguyên vô tận, vì vậy, việc sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng cần sự chung tay của toàn xã hội, từ hành động cụ thể, tự giác của mỗi thành viên, mỗi hộ gia đình và mỗi DN. Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả đến từng đối tượng khách hàng. Theo tính toán của EVN, với khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu 27 triệu hộ gia đình có thể tiết kiệm 1% điện năng tiêu thụ thì mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng. Còn đối với các DN, theo đánh giá của EVN, nếu 2.900 cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm tiết kiệm chỉ 2% lượng điện năng tiêu thụ thì mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng.
Theo đó, EVN khuyến khích các DN cần bố trí hợp lý ca sản xuất hoặc dây chuyền tiêu thụ nhiều điện vào giờ thấp điểm để tiết kiệm chi phí tiêu thụ; lắp đặt các hệ thống máy biến tần; tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; lắp đặt đèn LED trong chiếu sáng... Với người dân, nhiều biện pháp đơn giản, dễ thực hành cũng được ngành điện khuyến cáo. Điển hình như, nên sử dụng đèn LED tiết kiệm điện; đặt điều hòa ở mức 25-28oC; tủ lạnh không nên để quá nhiều thực phẩm, không nên đóng mở tủ quá nhiều lần; bảo dưỡng, vệ sinh các thiết bị điện thường xuyên; rút các đồ điện tử ra khỏi ổ điện khi không sử dụng; sử dụng các thiết bị có công nghệ tiết kiệm điện inverter; tận dụng tối đa nguồn ánh sáng và gió từ môi trường tự nhiên...
Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn xã hội. Năm 2020, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, thời gian qua, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả mới dừng lại ở việc khuyến khích người dân, DN. Thời gian tới, cần phải chuyển sang cơ chế bắt buộc và phải đưa vào luật quy định bắt buộc này; đồng thời có cơ chế tài chính trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, để tạo đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy người dân, DN có tiềm lực tham gia...
Bài và ảnh: VŨ DUNG