QĐND - Không thể phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế việc xây dựng các văn bản này trong thời gian gần đây đã có chất lượng vượt xa so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà tình trạng “luật khung”, luật “trên trời”, luật “chờ hướng dẫn”… như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội vẫn xảy ra. Đặc biệt là vẫn còn nhiều bất cập trong quy trình xây dựng pháp luật.
Vừa thừa, vừa thiếu
Các văn bản quy phạm pháp luật ra đời là để giải quyết, điều chỉnh các quan hệ, hành vi pháp lý nảy sinh trong xã hội. Các quan hệ, hành vi pháp lý phát triển đến đâu thì các văn bản quy phạm pháp luật phải được điều chỉnh đến đó. Tuy nhiên, trên thực tế do một số cơ quan, một số ngành tự cho mình là quan trọng nên muốn có luật, pháp lệnh cho riêng mình và vận động, thuyết phục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả là bên cạnh những văn bản quy phạm pháp luật nhanh chóng đi vào thực tiễn và được cả xã hội đón nhận thì cũng có những văn bản quy phạm pháp luật ý nghĩa điều chỉnh thực tiễn không cao hoặc rất yếu. Ngược lại, nhiều vấn đề rất cần phải được quy định, điều chỉnh thì lại thiếu các văn bản pháp lý điều chỉnh.
 |
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (tháng 12-2014). Ảnh: Nhan Sáng
|
Thực tế trong thời gian qua, chúng ta rất thiếu những văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống, nhưng lại thừa những văn bản quy phạm pháp luật không có tính khả thi. Thậm chí có những văn bản quy phạm pháp luật vừa ban hành xong đã bị phát hiện ra ngay là không có tính khả thi và bị đối tượng chịu sự tác động phản ứng lại. Một số quy định trong Nghị định số 34/2010/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 71/2012/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ một thời gây phản ứng trong dư luận về những quy định chưa thực sự bảo đảm tính khả thi (ví dụ: Phạt người hành nghề xe ôm không có biển hiệu hoặc không mặc trang phục theo quy định v.v..). Một số quy định trong Thông tư số 33 và 34 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2012 liên quan tới an toàn thực phẩm (về điều kiện kinh doanh trứng gia cầm và thịt lợn bày bán ở chợ) đã phải “chết yểu” trước khi có hiệu lực thi hành.
Trong lĩnh vực giáo dục, Thông tư số 04/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế thi tốt nghiệp phổ thông cũng gặp sự cố và bộ này đã phải gấp rút ban hành tiếp thông tư “sửa đổi của sửa đổi” vì muốn cấm “phát tán video tiêu cực” mà quên rằng làm như thế là vi phạm nghiêm trọng quyền khiếu nại, tố cáo của người dân…
“Luật khung, luật chậm, luật chờ…”
Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội khi đánh giá về công tác xây dựng pháp luật trong thời gian qua. Thực tế một số dự án luật được xây dựng trong thời gian khá dài, đến khi luật ban hành thì một số vấn đề liên quan trong luật đã thay đổi, vì thế có những luật vừa ban hành đã phải sửa đổi.
Mặt khác, cũng có khá nhiều luật ban hành rồi nhưng do các điều khoản trong luật khá chung chung, gọi là “luật khung”, nhiều nội dung trong luật lại không thi hành được do thiếu các văn bản dưới luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Tình trạng luật chờ nghị định của Chính phủ, nghị định chờ thông tư của các bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đã xảy ra. Có những thông tư khi về đến địa phương lại có thêm những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện… Điều này lý giải vì sao luật chậm đi vào cuộc sống.
Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có các nguyên nhân từ phía Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan của Quốc hội đã được tăng cường, nhưng so với phạm vi, tính chất và yêu cầu của hoạt động lập pháp của Quốc hội thì vẫn chưa thật tương xứng với khối lượng công việc phải đảm nhiệm. Mặt khác, Quốc hội nước ta không hoạt động thường xuyên nên đa số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm các chức vụ trong bộ máy chính quyền hoặc các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Sự kiêm nhiệm này là cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, nhưng cũng ảnh hưởng đến việc làm nhiệm vụ lập pháp của đại biểu Quốc hội.
Cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay thường là các cơ quan hành pháp. Ví dụ soạn thảo dự án Luật Giáo dục là Bộ Giáo dục và Đào tạo; soạn thảo dự án Luật Xây dựng được giao cho Bộ Xây dựng; soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của một tỉnh về viện phí thường giao cho sở y tế…, đó là biểu hiện của tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Cơ quan soạn thảo thường căn cứ vào thực tiễn của cơ quan mình, đưa ra những quy định có lợi cho cơ quan mình, đẩy những khó khăn cho cơ quan khác…
Người được giao thực hiện nhiệm vụ soạn thảo, góp ý, thẩm định v.v.. đôi khi chưa được trang bị đủ những kỹ năng cần thiết, hoặc không có đủ thời gian, nguồn lực, sự trợ giúp về chuyên môn để hiểu và quyết định các vấn đề đang được đặt ra cũng đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng công tác xây dựng pháp luật. (Còn nữa)
ĐỖ PHÚ THỌ
Bài 1: Bước tiến dài trong xây dựng pháp luật
Bài 3: Cần đổi mới quy trình soạn thảo, thẩm tra