Tạo sự đồng thuận cao

Với quy mô đầu tư lên đến 85.813 tỷ đồng, kéo dài 112,8km, đi qua 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng Quốc gia, được Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm, tạo mọi điều kiện, đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về tiến độ thực hiện. Theo tính toán, Hà Nội sẽ cần tới 741ha đất để thực hiện dự án; công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín; trong đó phức tạp nhất là việc di dời hàng vạn ngôi mộ.

Khối lượng công việc lớn, xác định rõ vai trò cũng như các vấn đề của dự án, trước mắt là mục tiêu đến ngày 30-6-2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng sạch và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023, cả hệ thống chính trị của Hà Nội đã vào cuộc với tinh thần chủ động, rốt ráo. Nhờ vậy công tác chuẩn bị khởi công dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân khi thực hiện Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Gia đình ông Nguyễn Văn Canh (80 tuổi) dù đã sinh sống nhiều đời trên mảnh đất tại cụm 1, thôn Bồng Lai, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) nhưng đã sẵn tinh thần về nơi ở mới để nhường đất cho dự án. “Không chỉ nhà tôi, bà con xung quanh cũng rất phấn khởi, đồng tình với chủ trương xây dựng đường Vành đai 4 của Đảng, Nhà nước. Chỉ mong chính sách tái định cư, đền bù thỏa đáng để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”, ông Canh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Tùng ở thôn 5 (xã Song Phương, huyện Hoài Đức) cho biết: “Gia đình tôi có gần 1.000m2 đất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, thu nhập 80-100 triệu đồng mỗi năm, hiện nằm trong diện phải thu hồi, phục vụ dự án. Chúng tôi ủng hộ chủ trương lớn của quốc gia, thành phố vì lợi ích của cộng đồng nên đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hoàn thành việc xác định mốc giới, sẵn sàng thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng; đồng thời, sẽ chung sức với địa phương tuyên truyền vận động các hộ dân khác cùng thực hiện”.

Còn đối với ông Phạm Việt Hùng (tổ dân phố số 4, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông), có 299m2 đất sẽ phải thu hồi toàn bộ để triển khai dự án đường Vành đai 4, chia sẻ: "Hiện gia đình chúng tôi đang kinh doanh đồ điện và tạp hóa, có thu nhập mỗi tháng lên tới hàng chục triệu đồng. Song, chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng, đồng thuận với chủ trương lớn của Trung ương và thành phố. Một số hộ dân sẽ phải hy sinh lợi ích cá nhân nhưng bù lại, cũng sẽ mở ra những bước tiến vượt bậc, giúp Thành phố trở nên khang trang, hiện đại hơn".

Là địa phương có số ngôi mộ phải di dời nhiều nhất huyện Mê Linh (200 ngôi mộ), nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và sự gương mẫu của người đứng đầu, xã Kim Hoa trở thành địa phương hoàn thành di dời mộ sớm nhất của huyện, với sự đồng thuận rất cao của người dân. Ngay trong tháng 10-2022, khi Thành phố chưa chốt giá, chưa phân bổ kinh phí bồi thường, thì tất cả người dân của xã Kim Hoa đã đồng thuận, tiến hành di dời phần mộ của người thân về nghĩa trang tập trung ở các thôn trong tâm thế phấn khởi. Nói về sự đồng thuận của nhân dân, ông Nguyễn Văn Tu, Bí thư Chi bộ thôn Tân Châu, xã Chu Phan (Mê Linh) phấn khởi cho biết: "Từ trước đến nay, trên địa bàn thôn có một số dự án phải giải phóng mặt bằng nhưng chưa dự án nào được triển khai bài bản, được lòng dân như dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Người dân rất phấn khởi, tin tưởng, nhiều gia đình đã chủ động di dời phần mộ từ nhiều tháng trước".

Theo Chủ tịch UBND xã Song Phương (huyện Hoài Đức) Đỗ Văn Toàn, trên địa bàn xã có 41,8ha nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án đường Vành đai 4, trong đó có 28ha đang trồng cây ăn quả thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/ha. Dù thu nhập khá cao như vậy, nhưng khi nhận được thông tin về dự án cũng như việc nằm trong diện giải phóng mặt bằng, hầu hết người dân đều đồng tình ủng hộ. Để có được kết quả này, ngay sau khi có chỉ đạo của Thành phố và huyện, Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về dự án đường Vành đai 4, đồng thời huy động các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân. Không chỉ tổ chức đối thoại, tạo các nhóm zalo, đến từng nhà để thông tin, trao đổi về tầm quan trọng của dự án, xã còn giao đoàn thanh niên xây dựng các video tiểu phẩm sinh động, dễ hiểu cho người dân xem, từ đó tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận cao. “Chúng tôi chắc chắn bảo đảm, thậm chí vượt tiến độ giải phóng mặt bằng, phấn đấu đến tháng 6-2023 sẽ bàn giao 90% mặt bằng cho dự án”, Chủ tịch xã Đỗ Văn Toàn nói.

leftcenterrightdel
Người dân làm thủ tục nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thường Tín Lê Tuấn Dũng chia sẻ, công tác đền bù giải phóng mặt bằng của huyện đạt kết quả tốt là nhờ xác định công tác tuyên truyền, dân vận phải đi trước một bước, trong đó Trưởng ban Công tác Mặt trận phải là những người tham gia đầu tiên. Tại huyện Thường Tín, trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, huyện đã bồi thường, di chuyển 1.771 ngôi mộ. Khi thực hiện nội dung này, Mặt trận Tổ quốc huyện phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện, nhà chùa cùng vào cuộc để bảo đảm yếu tố tâm linh và ý nghĩa khi di chuyển cho nên kết quả đạt được ngoài mong đợi.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, để người dân đồng thuận, cấp ủy đảng phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động. Các giải pháp triển khai đồng bộ, hài hòa, đi sâu vào chi tiết, nhất là phải quan tâm sâu sắc đến tâm tư, nguyện vọng của người dân. Kết quả triển khai dự án chính là một cuộc sát hạch, là “thước đo” năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng, trong đó có trình độ lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Cấp ủy địa phương nơi có dự án đi qua.

Sâu sát, quyết liệt hơn

Ở cấp thành phố, không chỉ các sở, ngành, quận, huyện liên quan đến dự án mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân. Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, hằng tháng, Ủy ban MTTQ Thành phố đều tổ chức giao ban để nắm bắt tình hình dư luận nhân dân, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, trong đó có nội dung về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền và định hướng dư luận xã hội. Thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng tham gia Ban Chỉ đạo triển khai Dự án, Tổ công tác tuyên truyền; phối hợp Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện và Ban Chỉ đạo xã, phường trong tổ chức triển khai thực hiện Dự án.

Còn Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, xác định giải phóng mặt bằng là lĩnh vực khó, Ban Dân vận Thành ủy đã thường xuyên nắm tình hình, tiến hành khảo sát thực tế 6/7 quận, huyện có dự án đi qua. Ban Dân vận Thành ủy và hệ thống dân vận cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện dự án; thường xuyên cử cán bộ nắm bắt tình hình công tác giải phóng mặt bằng tại các xã, phường có dự án đường Vành đai 4 đi qua; đôn đốc chính quyền tổ chức đối thoại; tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình giải phóng mặt bằng…

leftcenterrightdel
Người dân huyện Mê Linh phấn khởi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng 

Tại các địa phương có dự án đi qua, Ban Dân vận cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, khối dân vận, tổ dân vận của các phường, xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Qua đó hướng tới mục tiêu bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi theo quy định. Khối dân vận phường, xã phối hợp chặt chẽ với tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố, tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận nhân dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết khi có tình huống phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan chia sẻ, đường Vành đai 4 đi qua huyện dài 7,9km trên địa bàn 6 xã với tổng diện tích phải thu hồi hơn 84ha và 496 ngôi mộ. Đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng nhìn chung thuận lợi. Huyện cam kết đạt tiến độ sớm trước yêu cầu của thành phố từ 1 đến 3 tháng. Mặc dù khó khăn, nhưng Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân khẳng định: “Quận cam kết trong tháng 6, sẽ hoàn thành hơn 70%, cuối năm 2023 phấn đấu hoàn thành 100%”.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường, tính đến đầu tháng 3-2023, tổng số mộ trên địa bàn thành phố đã di chuyển là 5.448/10.912 ngôi (đạt 49,93%). Thành phố cũng đã phê duyệt và thu hồi đất được 314,32/796,766ha (đạt 39,45%). Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố là hơn 2.713 tỷ đồng. Ngoài ra, tất cả các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng tuyến đường Vành đai 4 cũng đều được phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ.

leftcenterrightdel

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác di chuyển mộ phục vụ dự án đường Vành đai 4 tại huyện Hoài Đức. 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo TP Hà Nội đây mới chỉ là kết quả bước đầu, khối lượng công tác giải phóng mặt bằng còn lớn cơ bản vẫn ở phía trước. Mục tiêu đặt ra từ nay đến ngày 30-6-2023, thời gian không còn nhiều, các địa phương phải bàn giao ít nhất 70% mặt bằng của dự án. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Nhiệm vụ tới đây còn rất dài, rất nặng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của các sở, ngành, quận, huyện; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương; trong đó UBND TP Hà Nội phải sâu sát, quyết liệt từng việc hơn nữa. Về việc triển khai phương án tái định cư, các quận, huyện tiếp tục xác định rõ mục tiêu là bố trí nơi ở mới cho các hộ thuộc diện tái định cư ở địa điểm đất đấu giá. Khi thực hiện các chính sách đền bù, hỗ trợ, phải bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và vận dụng tối đa theo quy định cho người dân; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, công bằng. Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo các quận, huyện sát sao với công việc tại cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát, chú ý bảo đảm đúng quy định pháp luật trong xác định nguồn gốc và diện tích đất ở.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo triển khai dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội, lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục vào cuộc với ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất; xác định tất cả vì việc chung; coi kết quả thực hiện dự án là danh dự, là trách nhiệm của bản thân. Khi thực hiện, các cấp, các ngành và từng cá nhân phải sâu sát cơ sở, bảo đảm liên thông trên tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; bảo đảm tiến độ đề ra, có vướng mắc vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay.

leftcenterrightdel

……………

Bài 3: Vượt qua khó khăn, vươn tới những kỳ vọng mới

NHÓM PHÓNG VIÊN