QĐND - Xây dựng các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Thực tế những năm qua, các KCN, KKT đã trở thành đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước. Tuy nhiên, phát triển KCN, KKT cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc. Một số khu chưa tuân thủ theo quy hoạch, để đất hoang hóa, gây ô nhiễm môi trường; đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn… Nâng cao hiệu quả KCN, KKT đang là một trong những vấn đề bức thiết hiện nay.

Từ khu công nghiệp đầu tiên…

Nhắc đến lịch sử phát triển các khu chế xuất (KCX), KKT ở Việt Nam, các chuyên gia đều nhớ đến KCX Tân Thuận ở TP Hồ Chí Minh. (Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu-PV). Tân Thuận là KCX đầu tiên, cũng là KCN đầu tiên theo đúng tiêu chí quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP của cả nước. Năm 1991, TP Hồ Chí Minh được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho phép triển khai xây dựng KCX Tân Thuận trên cơ sở liên doanh với doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc). KCX này ra đời gắn với cơ chế “một cửa” đã tạo ra bước đi tiên phong trong cơ chế quản lý kinh tế.

Kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: QUỲNH HOA

Công nhân làm việc tại Công ty Rinnai, khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương. Ảnh: HÙNG KHOA

Tiến sĩ Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng ban Quản lý các KCN-KCX TP Hồ Chí Minh (HEPZA) nhớ lại: Triển khai xây dựng KCX từ con số không, các cán bộ đầu tiên phải đến nhiều nước trên thế giới tìm hiểu, học hỏi ở những mô hình KCN thành công nhất và đã lựa chọn mô hình KCX gắn với cơ chế “một cửa”. Sau khi xem xét các đề xuất, Chính phủ đã mạnh dạn “trao quyền” cho ban quản lý được phép cấp phép đầu tư cho các dự án dưới 40 triệu USD, được quyền xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình doanh nghiệp hoạt động, tổ chức quản lý theo quy trình. Nhờ vậy đã rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư từ 5-6 tháng chỉ còn 3-5 ngày.

Từ thành công của KCX Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục phát triển các KCN khác: Linh Trung 1-2, Bình Chiểu, Tân Tạo, Tân Phú Trung, Hiệp Phước… Khi công nghệ thông tin (CNTT) phát triển mạnh mẽ, TP Hồ Chí Minh đã tiên phong triển khai một dự án trọng điểm có tính đột phá là xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung vào năm 2001. Một loại hình khu sản xuất công nghệ cao tập trung mới và những ước vọng vươn cao của thành phố so với khu vực và thế giới trong lĩnh vực CNTT. Công viên cung ứng các dịch vụ CNTT tiên tiến nhất thế giới, đạt tiêu chuẩn quốc tế đã thu hút những tên tuổi lớn của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Đến đầu năm 2015, Công viên đã thu hút 119 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 8.109 tỷ đồng và số cán bộ, kỹ sư làm việc lên đến gần 17.000 người. Từ thành công này, từ năm 2004, thành phố đã tiếp tục phát triển xây dựng thêm khu công nghệ cao ở quận 9 và đến nay, hiệu quả đã thực sự mang lại rất to lớn, thu hút hàng tỷ đô-la Mỹ của các tập đoàn công nghệ lớn như: Intel, Microsoft, Nidec, Datalogic Scanning...

… đến những đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng

Theo số liệu thống kê, trong hơn 20 năm qua, số lượng KCN trên cả nước phát triển khá nhanh, từ KCN đầu tiên được thành lập năm 1991, đến nay cả nước đã có hơn 300 KCN. Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo KCN, KKT Việt Nam, năm 2014, hoạt động của các KCN, KKT tiếp đà khởi sắc khi thu hút thêm 752 dự án và tăng vốn cho 515 lượt dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 14,7 tỷ USD. Tính riêng trong lĩnh vực sản xuất, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN, KKT chiếm hơn 90% tổng vốn FDI cả nước. Một số dự án quy mô lớn tiếp tục đầu tư mở rộng trong KCN như Tập đoàn Samsung đầu tư tăng thêm 5,4 tỷ USD trong năm 2014 (dự án Samsung Display Bắc Ninh 1 tỷ USD, dự án SEVT Thái Nguyên 3 tỷ USD, dự án Samsung tại KCN cao TP Hồ Chí Minh 1,4 tỷ USD), dự án Hyosung tại Đồng Nai tăng thêm 300 triệu USD…

Lũy kế đến hết năm 2014, các KCN trên cả nước đã thu hút được 5.573 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 85,5 tỷ USD. Vốn đầu tư đã thực hiện đạt 49 tỷ USD, bằng 57% vốn đầu tư đã đăng ký. Các KKT ven biển đã thu hút được 247 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 37 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 13,5 tỷ USD. Các KKT cửa khẩu thu hút được 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 700 triệu USD.

Cùng với đó, các KCN, KKT đã thu hút thêm 588 dự án đầu tư trong nước, điều chỉnh tăng vốn cho 196 dự án với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 168.000 tỷ đồng, tăng 6,3 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Các KCN, KKT đã như những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế cho các vùng kinh tế, các địa phương và cả nước.

Vào những ngày tháng Tư lịch sử vừa qua, về thăm các KCN, KKT ở Đà Nẵng, vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay mạnh mẽ ở những vùng quê một thời chịu nhiều mưa bom bão đạn và sự mất mát, hy sinh. Có thể nói, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đã chung sức, chung lòng tạo nên những diện mạo mới về các KCN, KKT. Với những bước đi, cách làm phù hợp, các KCN Đà Nẵng, KKT Chu Lai, KKT Dung Quất… đã và đang tạo lực hút mạnh mẽ không chỉ với các doanh nghiệp lớn trong nước mà cả với những đối tác đầu tư nước ngoài. Những thành quả ấy khẳng định đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm chiến lược miền Trung. Đến nay, KKT Chu Lai (Quảng Nam) đã có tới 92 dự án cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 1,4 tỷ USD. Đáng chú ý, hoạt động của các doanh nghiệp đều đạt hiệu quả cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách hơn 4.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 119 triệu USD (tăng 150%); giải quyết việc làm mới cho 1.054 lao động (tăng 131%), nâng tổng số lao động thường xuyên lên hơn 11 nghìn người.

Cách KKT Chu Lai không xa, KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) đã có sự phát triển mạnh mẽ. Hiện Dung Quất đã thu hút đầu tư 113 dự án và nhà máy lọc dầu với tổng vốn đăng ký hơn 8,5 tỷ USD, bước đầu hình thành vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, là biểu hiện rõ nét về khát vọng, thành tựu của tỉnh Quảng Ngãi đối với sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Trong năm 2014, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các KCN, KKT đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể: Tổng doanh thu đạt hơn 118 tỷ USD, tăng 18%; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 73,4 tỷ USD, tăng 43%, đóng góp 49% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các doanh nghiệp trong KCN, KKT xuất siêu 5,8 tỷ USD, tăng 24%, đóng góp ngân sách Nhà nước 87.000 tỷ đồng, tăng 31%; tạo việc làm cho 2,4 triệu lao động, tăng 14,2% so với năm 2013…

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

PHÚ THỌ - TIẾN DŨNG - TRUNG KIÊN

Bài 2: Những khó khăn và thách thức mới