Trên cơ sở khảo sát thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ý kiến của nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và đông đảo nhân dân, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã thực hiện loạt bài viết “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”.
Từ nhiều thế kỷ nay, biển đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các quốc gia. Việt Nam có bờ biển dài, mặt biển rộng, có ưu thế để phát triển kinh tế biển, trở thành trung tâm giao thương của thế giới. Do đó, tận dụng ưu thế của một quốc gia biển để phát triển kinh tế là chủ trương hết sức đúng đắn.
Biển là cửa ngõ để phát triển
Nhà tư tưởng nổi tiếng người Mỹ Alfred Thayer Mahan (1840-1914) đã đề ra tư duy đột phá về sức mạnh quốc gia khi cho rằng sức mạnh trên biển mới giúp các nước trở thành cường quốc chứ không phải sức mạnh trên đất liền. Alfred Mahan chỉ ra 6 điều kiện để một quốc gia có thể trở thành cường quốc biển, đó là: (1) Có vị trí địa lý thuận lợi; (2) Có bờ biển có thể sử dụng được, nhiều tài nguyên thiên nhiên và khí hậu thuận lợi; (3) Có lãnh thổ đủ rộng; (4) Có dân số đủ đông để tự vệ; (5) Có xã hội hướng ra biển và thương mại đường biển; (6) Có một chính phủ đủ năng lực để làm chủ biển.
|
|
Tàu phục vụ khách du lịch tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng Ảnh: TTXVN |
Thực tế, đúng như những gì Alfed Thayer Mahan đã đúc rút, nhận định thì các cường quốc trên thế giới cũng đều là các cường quốc biển. Ngay từ cách đây nhiều thế kỷ, các nước, như: Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha nhờ có các đội tàu buôn, tàu thám hiểm lớn đã đi khắp thế giới để giao thương, tìm những vùng đất mới và khai thác tài nguyên. Đến nay, ngay cả một quốc đảo có diện tích nhỏ và dân số ít như Singapore (diện tích 721,5km2, dân số hơn 5,6 triệu người) nhưng nhờ tận dụng tốt vị trí, phát triển kinh tế cảng biển mà đã lọt vào tốp 10 nước giàu có nhất thế giới tính theo GDP bình quân đầu người. Ở những quốc gia ấy, tài nguyên biển và vị trí đắc địa giáp biển, đều mang lại những cơ hội phát triển lớn. Chiến lược hướng biển cũng là chiến lược để hướng ra thế giới.
Theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế đại dương gồm hai thành phần cơ bản là các ngành kinh tế dựa vào đại dương và các hệ sinh thái biển. Các ngành kinh tế dựa vào đại dương có thể được chia theo các luồng thị trường và dịch vụ; các ngành kinh tế dựa vào những đối tượng tài nguyên cụ thể của đại dương. Các hệ sinh thái biển cũng được chia thành các luồng phi thị trường và dịch vụ; tài nguyên tự nhiên. Trong nhiều trường hợp, hệ sinh thái biển cung cấp đầu vào trung gian cho các ngành công nghiệp trên biển (ví dụ là các rạn san hô cung cấp chỗ ở và môi trường sống cho các vườn ươm cá và nguồn gen duy nhất, đồng thời cung cấp giá trị giải trí cho du lịch biển). Ngược lại, các ngành công nghiệp biển có thể ảnh hưởng đến số lượng, chất lượng của các hệ sinh thái biển (ví dụ thông qua việc thải bỏ nếu chất thải tàu biển hoặc ô nhiễm từ sự cố tràn dầu).
Các chuyên gia chia kinh tế thuần biển thành hai nhóm là: Nhóm truyền thống bao gồm: Đánh cá; chế biến thủy hải sản; vận tải biển; cảng biển; đóng và sửa chữa tàu biển; khai thác dầu khí ngoài khơi (vùng nước nông); xây dựng công trình, chế tạo ở biển; du lịch biển và vùng ven biển; các dịch vụ kinh doanh biển; hoạt động nghiên cứu, triển khai và giáo dục về biển; nạo vét ở biển. Nhóm mới nổi, bao gồm: Nuôi thủy hải sản; khai thác dầu khí ở vùng nước sâu và rất sâu; năng lượng gió ngoài khơi; năng lượng tái tạo biển và đại dương; khai thác khoáng sản biển và đáy biển; an toàn và giám sát hàng hải; công nghệ sinh học biển; sản phẩm và dịch vụ biển công nghệ cao... Trong đó có thể thấy nhóm mới nổi là nhóm có liên quan mật thiết đến sự phát triển của khoa học và công nghệ nhằm khai thác sâu hơn giá trị từ biển. OECD cho rằng, các ngành năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học biển, sản phẩm và dịch vụ biển công nghệ cao, nuôi trồng thủy hải sản... sẽ là những ngành lĩnh vực thuần biển mang lại giá trị tốt trong tương lai.
Tiềm năng biển của nước ta rất phong phú
Việt Nam có vùng biển và thềm lục địa rộng gần gấp ba lần diện tích đất liền và là một trong những khu vực giàu tài nguyên, với các tiềm năng lớn về hải sản, dầu khí, năng lượng sạch và du lịch... Theo một số công trình nghiên cứu đã công bố, vùng biển Việt Nam có trữ lượng nguồn lợi từ hải sản ước tính khoảng 32,5 tỷ tấn; trong đó, các loài cá chiếm tới 86%. Những năm gần đây, sản lượng khai thác hải sản thường xuyên đạt hơn 2 triệu tấn/năm. Điều đáng nói là, vùng biển Việt Nam quanh năm có cá đẻ và thường phân theo đàn, hình thành các bãi cá lớn, cả ở gần bờ và xa bờ với hơn 2.000 loài cá; trong đó, nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Đây là tiền đề quan trọng, đưa nước ta trở thành quốc gia có tiềm năng phát triển thủy sản trên thế giới.
Dầu khí cũng là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng của vùng biển Việt Nam. Theo các kết quả nghiên cứu về địa chất-địa vật lý, Việt Nam có nhiều bể trầm tích lớn chứa dầu khí ở thềm lục địa, như: Bồn trũng sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai-Thổ Chu, Tư Chính-Vũng Mây và Trường Sa-Hoàng Sa; trong đó, bồn trũng Cửu Long có trữ lượng lớn nhất. Các dự báo cũng cho thấy, trữ lượng dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam ước đạt 4 tỷ tấn quy dầu. Ngoài ra, vùng biển Việt Nam cũng có triển vọng lớn về băng cháy (khí hydrate). Đây là nguồn năng lượng có hiệu suất cao, sạch và có thể giữ vai trò thay thế tiềm tàng nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai.
Đặc điểm của vùng biển Việt Nam là biển hở, lại nằm trọn trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, nên vừa nhận được bức xạ mặt trời nhiều nhất, vừa chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình. Đây được xem là nguồn năng lượng sạch to lớn của nước ta, đặc biệt trong phát triển năng lượng gió (phong điện); năng lượng mặt trời; năng lượng sóng biển và thủy triều… để phát triển công nghiệp và đời sống dân sinh. Mặt khác, do đặc điểm kiến tạo địa chất, vùng ven biển nước ta có nhiều dãy núi đá vôi vươn ra sát biển, tạo nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng, nhiều vũng, vịnh, bãi cát trắng, hang động cùng các đảo và bán đảo lớn, nhỏ liên kết với nhau thành hệ sinh thái đảo hấp dẫn… tạo tiềm năng phát triển mạnh mẽ ngành du lịch. Cùng với đó, vùng biển và ven bờ nước ta nằm kề bên các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, có những vịnh sâu, kín gió, tạo tiềm năng lớn để phát triển hệ thống giao thông vận tải đường biển, mở rộng giao lưu với bên ngoài.
Về cơ hội giao thương, Biển Đông nằm ở vị trí đắc địa trên tuyến hàng hải quốc tế, là cửa ngõ của các nền kinh tế lớn của châu Á ra thế giới, với 21/39 tuyến hàng hải quốc tế đi qua khu vực này. Như thế, có thể thấy rõ những lợi thế của Việt Nam trong để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng biển.
Ước muốn mạnh về biển và làm giàu từ biển
Tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X xác định các quan điểm chỉ đạo về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đó là:
Một là, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.
Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH).
Ba là, khai thác mọi nguồn lực để phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Mục tiêu tổng quát được nêu trong nghị quyết là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH, làm cho đất nước giàu mạnh. Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực KT-XH, khoa học-công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý tổng hợp thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.
Nghị quyết cũng xác định sát đúng và cụ thể về phát triển kinh tế biển đến năm 2020 trên lĩnh vực KT-XH; chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát triển khoa học-công nghệ biển; xây dựng kết cấu hạ tầng biển.
Việc đề ra chiến lược nhằm đưa đất nước ta “mạnh về biển, làm giàu từ biển” là định hướng đúng đắn và phù hợp với tầm nhìn chung của quốc tế. Kết quả, trong giai đoạn vừa qua, kinh tế biển và ven biển phát triển khá mạnh ở hầu hết 28 tỉnh, thành phố ven biển. Thời kỳ 10 năm (2008-2017), tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, cao hơn so với nhịp tăng trưởng chung của cả nước (cả nước tăng 6%/năm). Năm 2017, GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 60,5% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển đạt 64,9 triệu đồng, cao hơn so với mức GDP bình quân đầu người của cả nước đạt 53,5 triệu đồng. Nêu sơ bộ như vậy để thấy, các mục tiêu lớn của Nghị quyết số 09-NQ/TW đã và đang trên đà đạt được. Kinh tế biển đã đóng góp lớn vào công cuộc phát triển của kinh tế đất nước.
(còn nữa)
ĐỖ PHÚ THỌ - HỒ QUANG PHƯƠNG