QĐND - Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Pháp luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Thời gian qua, việc xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã có những bước tiến rất dài. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, vẫn chưa đồng bộ, tuổi thọ nhiều văn bản còn ngắn, có văn bản còn xa rời thực tiễn, vừa ban hành đã phải sửa… Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật đang trở thành vấn đề bức thiết…
Nhà nước quản lý bằng pháp luật
Bản chất của nhà nước pháp quyền là quản lý xã hội bằng pháp luật. Để quản lý xã hội bằng pháp luật thì điều kiện tiên quyết là phải ban hành được các văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay bao gồm: Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định của Chính phủ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị-xã hội; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
 |
Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó chính ủy Quân khu 2, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu trước Quốc hội góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
|
Với mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật ở nước ta hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng, nó là công cụ thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động và là công cụ quản lý của Nhà nước. Đường lối, chính sách của Đảng phải được thể chế hóa, trở thành pháp luật Nhà nước mới trở thành các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của cá nhân, tổ chức được thực hiện một cách trực tiếp, chính xác, thống nhất trong cả nước, trong từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở. Pháp luật phải có đủ để bảo đảm thực hiện phương châm công dân được tự do làm những gì mà pháp luật không cấm. Pháp luật phải ghi rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, đòi hỏi mỗi công dân phải có thái độ chăm lo đến lợi ích chung của xã hội, làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, với Tổ quốc. Đối với những người không tự giác tuân thủ pháp luật thì phải áp dụng những biện pháp cưỡng chế, bất cứ ai vi phạm cũng phải bị xử lý thích đáng theo đúng pháp luật. Nhà nước sử dụng pháp luật không chỉ nhằm trừng trị, trấn áp, cưỡng chế, giữ cho xã hội trong vòng trật tự có lợi cho giai cấp thống trị mà còn là công cụ quan trọng để cải tạo các quan hệ xã hội cũ, lối sống cũ, tổ chức xây dựng và điều hành mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, mở đường cho các quan hệ xã hội mới phát triển.
Tạo cơ sở pháp lý phục vụ công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế
Đó là thành tựu lớn nhất và quan trọng nhất trong lĩnh vực ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam trong 40 năm qua, kể từ khi nước nhà hoàn toàn thống nhất.
Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta theo hướng ngày càng sâu rộng, trọng tâm hướng vào việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Nhìn chung, số lượng các văn bản luật, pháp lệnh do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng tăng, với chất lượng ngày càng được nâng lên. Cụ thể, nếu Quốc hội khóa IX (1992-1997) ban hành được 41 luật, bộ luật và 43 pháp lệnh; Quốc hội khóa X (1997-2002) ban hành được 34 luật, bộ luật và 40 pháp lệnh thì đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI (2002-2007) đã thông qua 84 luật, bộ luật (đạt kỷ lục hơn gấp đôi các khóa trước), trong đó có những đạo luật lần đầu tiên ban hành ở Việt Nam, như Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Thủy sản, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Trong nhiệm kỳ rút ngắn, chỉ gần 4 năm, nhưng Quốc hội khóa XII (2007-2011) cũng đã thông qua được 67 luật, bộ luật và 14 pháp lệnh. Đặc biệt trong nhiệm kỳ khóa XIII (từ năm 2011 đến nay), Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013, 74 luật, bộ luật, trong đó có những luật rất phức tạp như Luật Đất đai. Dự kiến cả nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội sẽ thông qua được khoảng 100 luật, bộ luật.
Theo ghi nhận của các đại biểu quốc hội thì các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND… ban hành trong thời gian gần đây về cơ bản có chất lượng ngày càng cao, bao quát tương đối đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Về nội dung, các văn bản này đã bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước; đều bám sát và phản ánh đúng, đầy đủ thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Ngày càng có nhiều văn bản sau khi ban hành có thể triển khai thực hiện ngay mà ít phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành nên sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế-xã hội của đất nước.
Bài, ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ
Bài 2: Những bất cập trong quy trình xây dựng pháp luật