QĐND - Bộ Y tế vừa tổ chức lễ ra quân đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. 6 bác sĩ trẻ đều tốt nghiệp loại khá, giỏi đã tình nguyện đến những huyện miền núi đầy khó khăn và heo hút của các tỉnh phía Bắc như: Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường Khương (Lào Cai), Tân Sơn (Phú Thọ), Mường Nhé (Điện Biên)...

Mong muốn được cống hiến

Bỏ lại sau lưng ánh đèn hào nhoáng của thủ đô Hà Nội, bác sĩ Phạm Mạnh Toàn (25 tuổi) đã tình nguyện tới làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) với mong muốn được đóng góp sức trẻ cho bà con nơi đây. Khi tham gia đề án này, bác sĩ Toàn cũng muốn thử thách với chính bản thân mình cố gắng vượt qua mọi khó khăn để giúp đỡ bà con. Ngay trong ngày đầu tiên tiếp nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mù Cang Chải (ngày 21-2), bác sĩ Toàn đã tham gia thực hiện ca mổ đầu tiên cùng các bác sĩ của bệnh viện cho một sản phụ 38 tuổi bị chửa ngoài tử cung.

Bác sĩ Toàn tâm sự: “Vừa bước xuống xe, Ban giám đốc bệnh viện đã thông báo có ca chửa ngoài tử cung đã vỡ vừa được chuyển đến cần mổ cấp cứu gấp, yêu cầu tôi tham gia. Khi đó, quả thực tôi hơi run và hồi hộp. Thế nhưng ngay sau đó, cả ê kíp mổ phối hợp rất nhuần nhuyễn nên tôi càng thêm tự tin hơn”. Bác sĩ Toàn cho biết thêm: “Ca mổ này khó nhất là giai đoạn cầm máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ca mổ đã kết thúc thành công sau hơn 2 tiếng đồng hồ. Biết rằng trang thiết bị y tế ở những bệnh viện tuyến huyện chắc chắn sẽ không bằng tuyến trên, nhưng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị tinh thần để quyết tâm vượt qua khó khăn. Điều cần làm đầu tiên khi đến đây, tôi sẽ học tiếng dân tộc để có thể giao tiếp và thăm khám cho bà con”.

Bác sĩ Phạm Mạnh Toàn thực hiện ca mổ đầu tiên ngay khi được Bệnh viện Đa khoa huyện Mù Cang Chải tiếp nhận.

 

Còn với Cao Thị Hồng Yến, một nữ bác sĩ trẻ đang làm việc tại bệnh viện huyện Đông Anh (Hà Nội), đã quyết định rời Thủ đô tình nguyện đến công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai). Yến tâm sự, cô đăng ký tham gia Đề án “Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo” vì mong muốn dùng sức trẻ và chuyên môn của mình để giúp bà con nghèo khám, chữa bệnh.

Với bác sĩ Hoàng Anh Thư (28 tuổi), tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, đã được Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận trước khi lên Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) công tác đã tham khảo rất nhiều ý kiến của gia đình và lường trước được những khó khăn sẽ đến với bản thân. Điều mà bác sĩ trẻ Hoàng Anh Thư lo lắng nhất là việc tiếp cận những kiến thức mới sẽ khó khăn hơn, thậm chí có thể sẽ có sự rơi rụng về kiến thức. Chính vì vậy, cô đã vạch ra kế hoạch để phấn đấu và khắc phục, để khi trở về bệnh viện tuyến trên sẽ không thua kém đồng nghiệp. “Để được như vậy, không chỉ từ sự cố gắng của bản thân mà em rất mong nhận được sự giúp đỡ của các bác sĩ nơi công tác cũng như tìm hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào nơi đây, để em có thể hòa nhập với môi trường trên này nhanh hơn” - bác sĩ Thư tâm sự.

“Lửa thử vàng”

Năm 2014 là năm đầu tiên Bộ Y tế thí điểm đưa bác sĩ trẻ về 62 huyện nghèo. Trước mắt, sẽ tập trung đào tạo bác sĩ thuộc 7 chuyên khoa nội nhi, hồi sức cấp cứu nhi, ngoại sản, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh... nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương. Những bệnh viện tuyến huyện được lựa chọn đưa bác sĩ trẻ về cũng là nơi có cơ sở vật chất nổi trội hơn trong vùng khó khăn để các bác sĩ trẻ có “công cụ” hành nghề thuận lợi hơn. Những bác sĩ trẻ tình nguyện đầu tiên về công tác tại 62 huyện nghèo đã được Bộ Y tế bàn giao cho các tỉnh Tây Bắc là những sinh viên y khoa tốt nghiệp loại khá, giỏi; hoặc có bằng thạc sĩ, chuyên khoa I trở lên; tâm huyết với công tác xã hội, được đào tạo tiếp như hình thức nội trú tại các bệnh viện tuyến Trung ương trước khi về với vùng xa, vùng sâu. Vì thế, lực lượng này được kỳ vọng sẽ có thể nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại vùng khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay người dân ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều vất vả trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế còn bất cập. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực y tế, nhất là bác sĩ có trình độ chuyên môn chuyên sâu. Bộ Y tế đã chủ động xây dựng và phê duyệt dự án đưa bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại khá, giỏi, tình nguyện về phục vụ ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là 62 huyện nghèo, qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội. Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÀ